Thị trường bất động sản các tỉnh, thành phố khởi động mạnh sau khi nguồn cung tại Tp.HCM ngưng trệ. Với những động thái mới của thị trường, một số tỉnh, thành hiện đang giám giát chặt chẽ và siết lại thị trường bất động sản.
Động thái kiểm soát nghiêm ngặt và hạn chế giao dịch ở một số địa phương là nhằm đảm bảo cho thị trường bất động sản không vỡ trận. Đặc biệt, sau khi vụ việc Công ty địa ốc Alilaba tung ra bán vài chục dự án không có thực khiến cho hơn 6.000 khách hàng lâm vào cảnh "tiền mất tật mang" được phanh phui, các địa phương đã mạnh tay hơn trong việc quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn mình.
Trong năm 2019, nhiều thị trường tỉnh lẻ bỗng dưng nổi sóng. Theo quan sát của giới am hiểu thị trường, nhiều thị trường trong thời gian qua bị giới đầu cơ "thổi sóng". Chỉ cần manh nha thông tin về dự án giao thông là lập tức khu vực xung quanh sẽ được giới đầu cơ tạo lập thị trường.
Đáng quan ngại hơn là không ít dự án nằm heo hút trong khu vực vốn dĩ đã rất vắng dân cư. Như tại các tỉnh Đông Nam Bộ, đất để các dự án phân lô chủ yếu là vườn cao su hoặc trồng các loại cây công nghiệp khác. Thị trường nhà đất ở tỉnh nóng lên ở thời gian qua chủ yếu là hình thức phân lô bán nền. Người mua phần đông là người đi đầu tư, trong số khách mua chỉ một phần nhỏ là người mua ở thực.
Tình trạng "đầu tư lướt sóng" theo cơ hội và theo sóng thị trường luôn rủi ro. Dù vậy, không ít người vẫn bất chấp lao theo nhằm tìm kiếm nguồn lợi nhuận qua việc mua đi bán lại. Bài học vỡ thị trường tại nhiều địa phương đã từng diễn ra và cách đây chưa lâu, đã để lại không ít hệ luỵ.
Để hạn chế rủi ro và ngăn chặn sự đổ vỡ của thị trường bất động sản, đến nay, nhiều địa phương đã phát ra văn bản chỉ đạo giám sát thị trường bất động sản chặt chẽ. Như trong đầu tháng 9/2019, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 5119/UBND-KT "Về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh".
Theo đó, địa phương này yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, đảm bảo ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn; nghiêm túc thực hiện việc xây dựng, báo cáo dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu hạn chế tối đa việc tham mưu, đề xuất cho thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở, nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở gần trung tâm đô thị, khu vực có yêu cầu cao về cảnh quan kiến trúc. Ngoài ra, với các dự án mới, khi chấp thuận chủ trương đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư, cần xem xét kỹ nhà đầu tư phải đảm bảo năng lực về tài chính và kinh nghiệm.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản nêu tên các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, bán hàng. Hay như tỉnh Bình Phước, trong đầu tháng 5/2019, UBND tỉnh này ban hành thông báo dừng cấp phép cho tất cả các dự án bất động sản có quy mô diện tích dưới 5 ha trên địa bàn theo văn bản đề nghị của Sở Xây dựng.
Theo Sở Xây dựng Bình Phước, phần lớn các dự án khu dân cư mà các doanh nghiệp xin chấp thuận chủ trương đầu tư đều có quy mô nhỏ chỉ khoảng 2-3 ha, thậm chí có dự án dưới 1 ha. Với mức quy mô này khó kết nối hạ tầng khi Nhà nước triển khai, thực hiện các dự án liền kề...
Mới đây nhất, ngay trong những ngày đầu tháng 10/2019, Tỉnh ủy Bình Phước đã có công văn gửi UBND tỉnh, các huyện, thị ủy, thành ủy và công an tỉnh yêu cầu ngăn chặn tình trạng lôi kéo, lừa dối bán đất, phân lô trái phép.
Tỉnh ủy Bình Phước còn yêu cầu UBND tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai; thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp xã, huyện và trưởng các phòng, ban, ngành có chức năng, nhiệm vụ liên quan nếu buông lỏng quản lý đất đai. Đồng thời, cần thông báo công khai phê duyệt các dự án khu dân cư cho người dân biết.
Tp.HCM vốn là thị trường bất động sản sôi động và có quy mô lớn nhất, vì vậy việc đảm bảo cho thị trường ổn định là điều vô cùng quan trọng. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, năm 2019, công tác cấp duyệt hồ sơ cho các dự án rất khắt khe. Đối với các khu vực thị trường các quận vùng ven thành phố hiện nay không cấp phép cho dự án phân lô bán nền nào.
Mới đây, UBND Tp.HCM đã có văn bản đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ đưa ra quy định xử lý nghiêm các chủ đầu tư không công bố, công khai pháp lý của dự án, trong đó có việc đình chỉ hoạt động đến 12 tháng. Kiến nghị này của UBND Tp.HCM xuất phát từ việc các doanh nghiệp làm theo kiểu "bán lúa non" khi pháp lý chưa đầy đủ...