Dịch COVID-19 vẫn thu trăm tỷ đồng
Theo Tổng cục Thuế, việc tăng cường quản lý, giám sát doanh thu hoạt động thương mại điện tử đã giúp số thu thuế từ lĩnh vực này gia tăng hằng năm. Riêng với các tổ chức chi trả doanh thu cho các đơn vị nước ngoài (do đơn vị trong nước kê khai và nộp thay) bình quân mỗi năm đã nộp thuế trên 1.000 tỷ đồng.
Để quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử, Cục Thuế Hà Nội đã chia thành 5 nhóm theo lĩnh vực kinh doanh. Cụ thể, Thuế Hà Nội đã quản lý và tiếp tục rà soát để quản lý gần 1.000 cá nhân và tổ chức có doanh thu từ Google, Facebook, Apple…; Nhóm bán hàng trực tuyến có khoảng 32.800 địa chỉ, đã và đang được rà soát để quản lý trên 5.000 cơ sở có doanh thu từ hơn 100 triệu đồng/năm; Nhóm cá nhân, tổ chức cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng đã rà soát và xác minh được 49 chủ nhà doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Cục Thuế Hà Nội cũng đang quản lý gần 1.500 cá nhân, tổ chức chi trả các dịch vụ điện tử cho nhà thầu nước ngoài; nhóm tổ chức quản lý, vận hành sàn thương mại điện tử (như Sendo, Lazada, Shoppe..), ứng dụng trung gian thanh toán, ứng dụng vận chuyển.
Từ năm 2018 đến năm 2020, các đơn vị kê khai và nộp thay nhà thầu nước ngoài 4.263 tỷ đồng, trong đó số thu từ dịch vụ trên Facebook hơn 1.641 tỷ đồng; Google nộp trên 1.573 tỷ đồng; Microsoft hơn 560 tỷ đồng. Riêng năm 2021, số thu từ hoạt động này trên 1.314 tỷ đồng, trong đó thu từ Facebook 521 tỷ đồng; Google 490 tỷ đồng; Microsoft 164 tỷ đồng.
Đặc biệt, số cá nhân có thu nhập cao từ việc cung cấp dịch vụ, nội dung số trên các trang mạng xã hội ngày càng tăng. Tổng số thu thuế thu nhập cá nhân của những người này kê khai và nộp ngân sách năm 2021 trên 498 tỷ đồng.
Năm vừa qua, có một cá nhân có doanh thu 105 tỷ đồng từ thương mại điện tử, với số thuế đã nộp ngân sách 11 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2020, có một cá nhân sản xuất phần mềm có nguồn thu từ quảng cáo trên ứng dụng đạt 330 tỷ đồng, số thuế đã nộp hơn 23 tỷ đồng.
Một cá nhân khác đạt doanh thu 260 tỷ đồng với số thuế đã nộp hơn 18 tỷ đồng... Những cá nhân này tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Cục Thuế TP.Hà Nội cho biết, qua đẩy mạnh quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã giúp số thu thuế tăng khá trong năm qua.
Năm 2021, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh tế số trên địa bàn Hà Nội đã góp 14.000 tỷ đồng tiền thuế, chiếm 6% tổng thu ngân sách và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, các giải pháp về thanh kiểm tra, rà soát cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử góp phần tăng thu ngân sách khoảng 110 tỷ đồng.
“Những cá nhân, tổ chức có doanh thu từ nước ngoài như từ Google, Facebook, chợ ứng dụng... được quản lý, giám sát dòng tiền qua trung gian thanh toán, ngân hàng, nên cơ bản quản lý được, không còn nóng về thất thu thuế nữa”, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội nói.
Tại Đà Nẵng, cơ quan thuế đã rà soát và đưa vào quản lý hơn 400 cá nhân, tổ chức có doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử, với số thuế đã nộp trong năm vừa qua hơn 10 tỷ đồng. Có 1 cá nhân ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng) có thu nhập cao từ quảng cáo của Youtube đã kê khai và nộp thuế hơn 1,5 tỷ đồng.
Tương tự, Cục Thuế Bình Định đã rà soát thu thập sao kê giao dịch của gần 400 tài khoản có hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử. Trong đó đã xác minh được hơn 300 tài khoản có tổng doanh thu hơn 1.293 tỷ đồng, số thu thuế khoảng 22 tỷ đồng.
Sàn thương mại điện tử phải cung cấp doanh thu của người bán
Từ ngày 1/1/2022, Thông tư 100/2021 của Bộ Tài chính chính thức được áp dụng, trong đó nội dung trọng tâm là giám sát và quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử. Quy định mới bắt buộc các tổ chức quản lý, vận hành sàn thương mại điện tử phải cung cấp thông tin cá nhân kinh doanh qua sàn, số doanh thu từ bán hàng, số tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế; hoặc sàn thương mại điện tử thực hiện kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân, pháp nhân kinh doanh qua sàn nếu được ủy quyền.
Cũng trong năm nay, Bộ Tài chính cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Công an chia sẻ dữ liệu trong quản lý hoạt động thương mại điện tử để quản lý thuế với hoạt động kinh doanh trực tuyến trong nước, hoạt động thương mại xuyên biên giới; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để quản lý thuế với đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên mạng, dịch vụ phần mềm, nội dung số…
Bộ Tài chính cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong thanh toán điện tử, trung gian thanh toán để giám sát các giao dịch xuyên biên giới trong thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số…