Cơ quan thuế sẽ triển khai nhiều giải pháp, phối hợp với các bộ ngành để quản lý, thu thuế từ các ông lớn Google, Facebook...
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết năm 2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế là thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.
Thu ngàn tỉ tiền thuế từ Google, Youtube, Facebook
Đây là công tác được ngành thuế triển khai mạnh mẽ, từ xây dựng chính sách, tuyên truyền hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế kê khai theo quy định của pháp luật, thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách trong những năm gần đây.
Năm 2020-2021 với dịch Covid-19, thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh trên nền tảng số đã phát triển nhanh chóng. Sự tăng trưởng mạnh mẽ đó cũng đặt ra những vấn đề về công tác quản lý thuế.
Ngành thuế tăng cường quản lý, thu thuế với hoạt động thương mại điện tử
Trong năm 2021, số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook... là 1.314 tỉ đồng. Trong số đó, Facebook là 521 tỉ đồng; Google là 490 tỉ đồng; Microsoft là 164 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra, kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội là 498 tỉ đồng.
Theo cơ quan thuế, hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam khấu trừ, nộp thay.
Nhận diện để quản lý
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết trong năm 2022, sẽ tiếp tục yêu cầu cục thuế các địa phương chủ động rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như: Google, Facebook, Youtube,… để có thông báo yêu cầu kê khai, nộp thuế.
Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân cố ý không kê khai, nộp thuế, cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng thương mại để truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết năm 2022 sẽ chú trọng nắm bắt những phương thức sản xuất kinh doanh mới, đặc biệt là các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất về chính sách và phương pháp quản lý hiệu quả, qua đó mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế.
Quản lý thuế đối với các "ông lớn" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế
Theo ông Mai Sơn, Cục Thuế TP Hà Nội đã nhận diện 5 nhóm kinh doanh thương mại điện tử để triển khai các biện pháp quản lý thuế trong thời gian tới, bao gồm nhóm có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook,…; Nhóm kinh doanh bán hàng online; Nhóm kinh doanh cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng; Nhóm tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài và Nhóm doanh nghiệp điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Shopee...,điều hành các ứng dụng (App) trung gian thanh toán, App trung gian vận chuyển.
Lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn khẳng định, năm 2022 sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ, đánh giá kỹ lưỡng đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất xây dựng chính sách phù hợp về tỉ lệ thu, về quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đối với hoạt động này.
Về phía Bộ Tài chính, hiện bộ đã ký kết thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công thương, trong đó có nội dung phối hợp xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử. Qua đó sẽ triển khai chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong nước.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết thêm, Tổng cục Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính ký kết thỏa thuận với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế đối với chủ thể cung cấp dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên mạng; các sản phẩm, dịch vụ phần mềm; các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đề xuất Bộ Tài chính xây dựng các chương trình hợp tác, phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ chế kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế.
Để siết chặt quản lý thuế, cơ quan thuế đã tiếp tục nâng cấp, xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, tích hợp giữa hệ thống ngân hàng, các nhà cung cấp nền tảng số để nắm bắt được đối tượng quản lý thuế, số giao dịch phát sinh, doanh số, số thuế phải nộp, nhất là đối với các giao dịch xuyên biên giới, giao dịch thương mại trên các nền tảng số, kinh doanh qua mạng.
(Theo Người Lao Động)