Tăng tốc quản lý thuế các giao dịch điện tử
"Make Money Online" (Kiếm tiền trực tuyến) đã trở thành cụm từ phổ biến để nói đến cộng đồng cá nhân hay tổ chức kiếm tiền trên mạng như bán hàng online trên nền tảng thương mại điện tử , cung cấp dịch vụ, nội dung cho các nền tảng nước ngoài như YouTube, Facebook... Tuy nhiên, nhiều người có nguồn thu nhập lớn trên mạng vẫn "chây ì" trong việc đóng thuế do họ cho rằng ngành thuế sẽ không nắm được thu nhập của họ.
Tổng cục Thuế đã có công văn đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp các thông tin người nộp thuế theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP
Khả thi công nghệ
Mới đây, Tổng cục Thuế đã có công văn đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp các thông tin người nộp thuế theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020. Cụ thể là cung cấp cho cơ quan thuế tên chủ tài khoản, số hiệu, ngày mở – đóng tài khoản cho cơ quan thuế qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Tổng cục Thuế sẽ khai thác, truyền nhận, lưu trữ và bảo mật hoàn toàn các thông tin của người nộp thuế mà ngân hàng cung cấp. Ngoài ra, cơ quan này sẽ cung cấp mã số thuế của người nộp thuế cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài các tài khoản thanh toán của khách hàng có thông tin mã số thuế, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện đối chiếu và cung cấp thông tin tài khoản thanh toán theo mã số thuế.
Với khách hàng không có mã số thuế, NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ thực hiện đối chiếu với số, loại giấy tờ do Tổng cục Thuế cung cấp theo mã số thuế của người nộp thuế.
Về thời hạn cung cấp thông tin, NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lập và gửi danh sách tài khoản thanh toán của người nộp thuế lần đầu đến Tổng cục Thuế, bao gồm toàn bộ các tài khoản thanh toán của người nộp thuế còn hiệu lực của tháng liền kề tháng cung cấp thông tin trong thời gian 90 ngày. Định kỳ hàng tháng, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải cung cấp thông tin số hiệu tài khoản phát sinh mới trong tháng và các tài khoản có ngày đóng trong tháng trước chậm nhất ngày 10 của tháng kế tiếp.
Trước đó, Tổng cục Thuế đã thí điểm triển khai việc cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế cho cơ quan thuế với 5 NHTM là Ngân hàng Công Thương (Vietinbank), Ngoại Thương (Vietcombank), Đầu tư và Phát triển (BIDV), Quân đội (MB) và Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).
Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Thuế, đến nay cơ quan này đã tiếp nhận thành công trên 45,4 triệu tài khoản của người nộp thuế do 5 ngân hàng thương mại cung cấp.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đánh giá: “Từ kết quả triển khai thí điểm tại 5 ngân hàng, đến thời điểm này có thể khẳng định triển vọng về tính khả thi của công nghệ, việc bảo mật thông tin về dữ liệu, từ đó có thể hoàn thành trách nhiệm được giao của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Ngân hàng Nhà nước”.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế nhận xét, việc cơ quan thuế được nắm thông tin tài khoản của một số cá nhân là hoàn toàn phù hợp, đặc biệt nhằm đảm bảo bình đẳng giữa những người kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống.
Còn lo cơ quan thuế "lạm quyền"
Siết quản lý thuế nhằm chống thất thu ngân sách Nhà nước là một việc làm đúng đắn. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến đặt ra rằng, có nhiều nước trên đã ban hành cả đạo luật, trong đó nghiêm cấm việc ngân hàng tiết lộ danh tính khách hàng cho bên thứ ba, dù đó là cơ quan thuế hay thậm chí là chính quyền trung ương, nhằm bảo mật thông tin khách hàng.
Việc cơ quan thuế được nắm thông tin tài khoản của một số cá nhân là hoàn toàn phù hợp nhằm đảm bảo bình đẳng giữa những người kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ, Khoản 2 Điều 27 Luật Quản lý thuế quy định một trong các nhiệm vụ của ngân hàng thương mại là “cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản”. Hay tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Kim Thoa, Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng, để đảm bảo hài hòa quyền được bảo mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng, quyền của người nộp thuế và nghĩa vụ của ngân hàng trong việc cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế, cần:
Thứ nhất, pháp luật phải quy định rõ ràng đối tượng, tiêu chí khách hàng mà ngân hàng phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, từ đó xác định rõ phương thức cung cấp, quy trình phê duyệt của cơ quan thuế khi yêu cầu NHTM cung cấp thông tin khách hàng. Đây là nội dung quan trọng bởi nếu pháp luật chỉ ghi nhận NHTM có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế có thể dẫn đến “lạm quyền” và “gây ra những lo lắng từ phía khách hàng”, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Thứ hai, cần quy định rõ cơ chế giải quyết khi có mâu thuẫn trong việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng. Trường hợp giữa TCTD và cơ quan quản lý thuế có bất đồng về việc cung cấp thông tin khách hàng thì sẽ được giải quyết theo cơ chế pháp lý nào? Ví dụ, thời hạn cung cấp thông tin, phạm vi thông tin khách hàng của các NHTM cần phải cung cấp cho cơ quan quản lý thuế theo quy định nội bộ của ngân hàng hay theo quyết định của cơ quan thuế.
Thứ ba, quy định rõ cơ chế giải quyết khiếu nại, bồi thường thiệt hại phát sinh trong trường hợp làm lộ thông tin khách hàng, bởi việc khách hàng đi tìm các chứng cứ liên quan đến chủ thể làm lộ thông tin khách hàng được cung cấp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhau là điều không dễ dàng.
Thứ tư, cần quy định chế tài cụ thể nhằm xử lý các hành vi cung cấp thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng không đúng thẩm quyền, hoặc làm lộ các thông tin của khách hàng trong quá trình thực hiện các quy định về cung cấp thông tin khách hàng cho các cơ quan thực thi pháp luật về thuế.