Tín dụng đã tăng cao
Theo NHNN, tính đến cuối tháng 9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Trong khi năm 2018, tổng tăng trưởng tín dụng đạt 13,89% nên NHNN định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế. Tuy nhiên, so với mặt bằng 14% này, chỉ trong 9 tháng, nhiều ngân hàng đã có dư nợ cho vay vượt quá con số này, thậm chí có ngân hàng đã tăng trên 20%.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, báo cáo tài chính của Techcombank và VIB cho thấy mức tăng trưởng tín dụng cao nhất lên tới lần lượt là 28,4% và 28,2%. Tiếp đến là OCB và TPBank với mức tăng lần lượt 20,7% và 20,4%. Dưới mức 20% có ngân hàng MSB và VPBank ở mức lần lượt là 18,6% và 14,5%. Ngoài ra, các ngân hàng còn lại duy trì ở dưới ngưỡng 14%, như Sacombank (13,2%), Vietcombank (12,1%), ACB (11,1%), BIDV (8,6%)… Chỉ có ngân hàng ABBank là có mức tăng trưởng tín dụng âm 0,1%.
Như vậy, có thể thấy, các ngân hàng đều có mức tăng trưởng tín dụng khá cao, nhất là trong bối cảnh NHNN vẫn cố gắng siết tăng trưởng tín dụng, tránh cho nền kinh tế phát triển lệ thuộc vào tín dụng. Đặc biệt, nếu nhìn vào những mảng kinh doanh khác của các ngân hàng như dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, ngoại hối… thì nhiều ngân hàng có dấu hiệu suy giảm. Tiêu biểu như VPBank lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, BIDV đang chịu lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán… Vì thế, việc lệ thuộc vào tín dụng để đảm bảo tăng trưởng lại càng được chú trọng. Nên các ngân hàng đã có mức tăng tín dụng khá mạnh mẽ thì trong 3 tháng cuối năm – khi mùa kinh doanh lớn nhất trong năm diễn ra thì tín dụng sẽ bị "kìm hãm", có thể ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận cả năm của các ngân hàng.
Lợi nhuận vẫn tăng mạnh
Thực tế là lợi nhuận các ngân hàng vẫn đang tăng trưởng vượt bậc. Thống kê từ báo cáo tài chính các ngân hàng trong quý III cho thấy, phần lớn ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn so với 2 quý đầu năm 2019, trong đó có những ngân hàng tăng tới hơn 200%. Khảo sát mới đây của NHNN còn cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay tăng cao hơn so với năm trước, huy động vốn đến cuối năm nay kỳ vọng tăng trưởng cao hơn so với cuối năm 2018, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng 4,85% trong quý IV/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019, gần sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% toàn ngành năm 2019.
Nguyên nhân là bởi các ngân hàng đã "ngấm đòn" nợ xấu, nên muốn xoay chuyển cơ cấu doanh thu theo hướng tăng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, ngoại hối, thu hồi nợ, bán cổ phiếu quỹ… thay vì tín dụng như trước. Mặc dù có những ngân hàng chưa mấy thành công như đã nêu ở trên, nhưng phần lớn hoạt động này đều đang mang lại nhiều khoản lãi không hề nhỏ cho tổng lợi nhuận của ngân hàng.
Theo đó, lợi nhuận tăng cao nhất hiện nay phải kể đến MSB với lợi nhuận trước thuế đạt 1.064 tỷ đồng, tăng 267% so với cùng kỳ, riêng quý III đóng góp 497 tỷ đồng, tăng 2.223% so với cùng kỳ năm trước. MSB tăng đột biến trong quý III chủ yếu do thu nhập lãi thuần tăng vọt 58% so với cùng kỳ đạt 864 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ hoạt động khác còn tăng tới 376% đạt 463 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nhờ khoản thu nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Hay tại Sacombank, tổng thu nhập thuần đạt 10.861 tỷ đồng, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 7.405 tỷ đồng, tăng 34,1%; thu dịch vụ đạt 2.131 tỷ đồng, tăng 21,1%; thu kinh doanh ngoại hối đạt 422 tỷ đồng, tăng 35%; thu từ hoạt động khác đạt 845 tỷ đồng, tăng 176,2%. Tại Ngân hàng MB, 9 tháng năm 2019, lợi nhuận trước thuế đạt 7.086 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 16% lên 3.734 tỷ đồng, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 38% lên 368,4 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh khác tăng 1,5 lần lên 887 tỷ đồng, đồng thời hoạt động đầu tư góp vốn dài hạn cũng chuyển từ âm 48 tỷ đồng năm trước sang có lãi 160 tỷ đồng trong năm nay...
Cùng với việc tăng cường doanh thu từ các hoạt động kinh doanh khác, điều khiến các ngân hàng vẫn "lạc quan" về tăng trưởng lợi nhuận là NHNN cho biết sẽ nới room tín dụng cho các ngân hàng sớm áp dụng chuẩn Basel II, đồng thời, tái cơ cấu danh mục cho vay, gia tăng chuyển dịch sang tín dụng bán lẻ sẽ giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ giữa thu nhập lãi thuần và tài sản sinh lãi (NIM). Nhưng các chuyên gia vẫn nhấn mạnh về việc các ngân hàng phải đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu để hoạt động an toàn, bền vững. Bởi hiện nay, cùng với tín dụng tăng cao thì nợ xấu tại nhiều ngân hàng cũng đã tăng lên, khiến tổng nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%, tăng so với mức 1,89% cuối năm ngoái.