Lãi suất 0% - người dân vẫn gửi USD
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thực hiện lộ trình giảm đô-la hoá tại Việt Nam, theo đó, sẽ tiến tới chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ.
Bắt đầu từ năm 2015, lãi suất huy động USD được áp dụng ở mức 0%/năm. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi ngoại tệ giảm từ 11,06% năm 2014 xuống còn 8,21% cuối năm 2017.
Tính đến 30/6/2018, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của các ngân hàng thuơng mại nhiều ngân hàng vẫn huy động được ngoại tệ, chủ yếu là USD với mức lãi suất 0%/năm.
Trong số 15 ngân hàng thương mại được BizLIVE thống kê, Vietcombank vẫn là quán quân về huy động tiền gửi bằng USD trong dân (tính quy đổi theo VND) đạt 130.507 tỷ đồng (tương ứng khoảng 5,7 tỷ USD).
Trong khi đó, Vietinbank và BIDV chỉ huy động được USD bằng 1/3 lượng USD huy động của Vietcombank, tương ứng 44.396 tỷ đồng (1,9 tỷ USD) và 39.160 tỷ đồng (1,7 tỷ USD).
Tiếp theo là MB huy động USD khá tốt tới 21.784 tỷ đồng (khoảng 950 triệu USD).
Top 4 ngân hàng có lượng huy động USD khoảng 10.000 tỷ đồng (tương ứng khoảng 435 triệu USD) đứng đầu là Sacombank, SHB, Techcombank và ACB.
Thế mạnh của Eximbank là ngân hàng xuất nhập khẩu nhưng cũng chỉ huy động được 5.435 tỷ đồng (236 triệu USD), thua cả SCB huy động được 6.836 tỷ đồng (297 triệu USD).
Các ngân hàng thương mại còn lại huy động được từ 50 triệu USD tới 170 triệu USD.
Nhiều ngân hàng cho vay USD vượt huy động
Nhiều ngân hàng cho vay USD vượt nhiều so với nguồn USD huy động được từ tiền gửi USD của khách hàng.
Vietinbank cho vay bằng USD lên tới 109.978 tỷ đồng (4,8 tỷ USD), gấp 2,5 lần huy động USD; BIDV cũng cho vay ra bằng USD rất lớn với 86.383 tỷ đồng (3,7 tỷ USD), gấp 2,2 lần huy động USD.
Ngoài ra, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay USD cũng gấp đôi so với USD huy động được từ tiền gửi của khách hàng, gồm: HDBank (3,5 lần), LienVietPostBank (2,5 lần), ABBank (2,5 lần), Eximbank (1,9 lần), VIB (1,6 lần) …
Dư nợ cho vay USD lớn có MB cho vay 25.448 tỷ đồng (1,1 tỷ USD), SHB là 13.654 tỷ đồng (594 triệu USD), Techcombank là 10.117 tỷ đồng (440 triệu USD), HDBank là 9.604 tỷ đồng (418 triệu USD)…
Như vậy, nguồn USD thiếu hụt các ngân hàng lấy ở đâu?
Theo báo cáo tài chính quý II/2018, BIDV tìm nguồn từ khoản tiền gửi và vay từ NHNN và các Tổ chức tín dụng (TCTD) khác bằng USD là 63.076 tỷ đồng; tại Vietinbank tới 44.358 tỷ đồng.
Các ngân hàng khác cũng phải tìm nguồn USD bổ sung từ tiền gửi và vay NHNN và các Tổ chức tín dụng khác, cụ thể: VPBank là 21.279 tỷ đồng; VIB tới 14.907 tỷ đồng; ABBank là 2.988 tỷ đồng.
Hay như HDBank vay từ NHNN và các Tổ chức tín dụng khác cũng tới 5.212 tỷ đồng; MB vay 13.092 tỷ đồng; SHB vay 10.698 tỷ đồng; ACB vay 2.714 tỷ đồng.
Riêng Techcombank cũng có khoản tiền gửi và vay USD từ TCTD khác khá lớn tới 9.267 tỷ đồng, ngân hàng này cũng gửi và cho vay các TCTD khác tới 24.605 tỷ đồng.
Vietinbank dẫn đầu về cho vay USD
Tại các ngân hàng thương mại, tính đến ngày 30/6/2018, Vietinbank đang là ngân hàng cho vay USD nhiều nhất lên tới 109.978 tỷ đồng (4,8 tỷ USD) chiếm tỷ trọng 12,7% tổng dư nợ của ngân hàng này. Trong khi đó, Vietcombank chỉ đứng thứ 2 về cho vay ra bằng USD là 99.254 tỷ đồng (4,3 tỷ USD), nhưng có tỷ trọng cao nhất tới 16,6% tổng dư nợ cho vay.
Tuy BIDV cho vay ra bằng USD rất lớn với 86.383 tỷ đồng (3,7 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 9,3% tổng dư nợ, nhưng thấp hơn tỷ trọng cho vay USD của MB (11,9%), Eximbank (10,5%).
Các ngân hàng tiếp theo có tỷ trọng cho vay USD trên tổng dư nợ cao trong khối như: HDBank (8,1%), VIB (7,4%), ABBank (6,1%), SHB (6,6%)…
Lãi suất cho vay ngoại tệ, chủ yếu là USD vẫn ở mức khá cao so với mức lãi suất tiền gửi USD là 0%/năm. Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6%/năm. Trong khi đó, đối với VND, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy tính đến hết tháng 5/2018, tín dụng VND chiếm 91,9% tổng tín dụng, tín dụng bằng ngoại tệ chiếm 8,1% tổng tín dụng.
Theo “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Chỉ thị 04 (02/8/2018) trong đó nêu vấn đề kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, tiến tới chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ trong thời gian tới.