Không cho vay để đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016, quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng , chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Đáng chú ý, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 8 về những nhu cầu vốn không được cho vay. Bao gồm:
Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư. Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm. Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư.
Để mua vàng miếng. Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay mà tổ chức tín dụng và khách hàng đã xác định ngay từ ban đầu khi ký thỏa thuận cho vay phù hợp với quy định pháp luật liên quan.
Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: a) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; b) Tại thời điểm xem xét cho vay, khoản vay được phân loại nợ thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 theo kết quả gần nhất về phân loại nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam cung cấp.
Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016, Ngân hàng Nhà nước muốn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không cho vay để đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai.
Để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay trong các quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba. Góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh mà vốn góp hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh không hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác; thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật; bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa.
Đáng chú ý, đối với việc “ Không cho vay để đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai ”, Ngân hàng Nhà nước giải thích: TCTD cấp tín dụng cho khách hàng để đặt cọc hướng đến các công ty này chuyển nhượng bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai, tuy nhiên hầu hết các dự án BĐS sẽ chuyển nhượng chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật như: chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Sau khi TCTD cấp tín dụng khách hàng và chủ đầu tư hủy hợp đồng đặt cọc do không hoàn thiện được thủ tục pháp lý để ký hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn khó khăn, tiềm ẩn rủi ro.
Kiến nghị 'siết' quy định về đặt cọc và không mua, bán nhà đất bằng tiền mặt
Cũng vừa đây, Hiệp hội BĐS TP HCM ( HoREA ) đã gửi góp ý về một số quy định của “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” (“Dự thảo Nghị định”). Trong đó, HoREA cho rằng công tác quản lý nhà nước đối với hành vi “đặt cọc” trong kinh doanh BĐS hiện hành có nhiều bất cập.
Chẳng hạn, Luật Kinh doanh BĐS 2014 không quy định điều chỉnh, quản lý hành vi giao kết “đặt cọc” trong kinh doanh BĐS, huy động vốn bán BĐS hình thành trong tương lai xảy ra trước thời điểm ký Hợp đồng kinh doanh BĐS. Mà hành vi “đặt cọc” chỉ được quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015, nhưng lại không giới hạn giá trị đặt cọc.
Hai điều bất cập này dẫn đến trường hợp bên bán, bên huy động vốn có thể lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho khách hàng, nhà đầu tư làm ảnh hưởng xấu đến thị trường BĐS và trật tự, an toàn xã hội. Do đó, HoREA kiến nghị bổ sung quy định về đặt cọc, thanh toán trong kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
HoREA cho rằng cần bổ sung quy định về đặt cọc và thanh toán qua ngân hàng trong kinh BĐS thay vì thanh toán bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ. |
Đồng thời, HoREA nhận định, Điều 6 Nghị định 02/2022 mặc dù quy định về Hợp đồng kinh doanh BĐS với Phụ lục kèm theo 8 loại Hợp đồng mẫu, nhưng lại chưa quy định về việc “đặt cọc” trong các Hợp đồng mẫu nên rất cần thiết bổ sung.
Ngoài ra, HoREA nhận thấy hiện tại thị trường BĐS nước ta vẫn còn thói quen thanh toán bằng tiền mặt , vàng, ngoại tệ nên chưa đảm bảo tính minh bạch, có trường hợp giá mua bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở ghi trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch thật nên chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp, hoặc có thể làm cho ngân sách nhà nước bị thất thu.
Hơn nữa, nước ta đã tham gia Công ước của Liên Hiệp quốc về phòng, chống rửa tiền và để thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền 2012; Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền nên việc quy định thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng là rất cần thiết.
Vì vậy, để tăng tính minh bạch của thị trường BĐS, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, chống thất thu ngân sách nhà nước và góp phần phòng, chống rửa tiền, HoREA cho rằng nội dung khoản 1 Điều 16 Luật Kinh doanh BĐS 2014 về thanh toán trong giao dịch BĐS quy định “Việc thanh toán trong giao BĐS do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán” cần được hướng dẫn thi hành tại Nghị định 02/2022 với quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh BĐS phải qua ngân hàng.