Theo tin tức mới nhất của trung tâm dự báo thời tiết AccuWeather (Mỹ), ngày 25/10, siêu bão Yutu đổ bộ lên hai hòn đảo Saipan và Tinian (thuộc Quần đảo Bắc Mariana - phần lãnh thổ của nước Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương) gây mưa lớn, lụt lội và khiến mất điện/nước trên diện rộng.
Chuyên gia khí tượng học của AccuWeather đánh giá, siêu bão Yutu đạt cấp 5 (cấp mạnh nhất trong thang bão phương Tây Saffir-Simpson) là cơn bão mạnh nhất năm 2018 tính cho đến thời điểm hiện tại.
Chuyên gia khí tượng của Washington Post cho hay, với sức gió có lúc đạt đến 290km/h, siêu bão Yutu là cơn bão dữ dội nhất từng tấn công phần lãnh thổ nước Mỹ tính từ năm 1935.
Cả hai hòn đảo Saipan và Tinian đều phải hứng chịu sức gió cấp 5 mạnh khủng khiếp. Siêu bão Yutu khiến nhà cửa, cở sở hạ tầng và phương tiện giao thông tại các hòn đảo ở phía tây Quần đảo Bắc Mariana bị tàn phá nặng nề.
Sau khi càn quét Quần đảo Bắc Mariana, các chuyên gia khí tượng dự báo, siêu bão Yutu tiếp tục di chuyển về phía Đông Nam Á vào cuối tuần này.
Dự báo mới nhất về đường đi của bão Yutu
Dự báo đường đi của bão Yutu. Đồ họa: News.com.au
Dự báo, vào đầu tuần sau, siêu bão Yutu sẽ đổ bộ đất liền. Cụ thể, vào thứ Hai ngày 29/10, bão sẽ gây mưa lớn và gió mạnh tại các khu vực của Philippines như tỉnh Batanes, quần đảo Babuyan và vùng ven biển của đảo Luzon; sau đó, bão sẽ đổ bộ phía nam và phía đông Đài Loan (Trung Quốc).
Chuyên gia khí tượng tại AccuWeather hy vọng, siêu bão Yutu sẽ không tăng cấp khi tiến vào Philippines và sẽ giảm cấp trở thành một cơn bão mạnh cấp 3 theo thang đo Saffir-Simpson.
Mặc dù được dự báo là giảm cấp, song Yutu vẫn có khả năng khiến cây cối, nhà cửa tại Philippines bị ảnh hưởng nặng. Vào thứ Ba, thứ Tư tuần sau, bão Yutu gây mưa lớn, lũ lụt, lở đất.
Sau đó, bão sẽ di chuyển chậm lại. Dự báo, sau khi đổ bộ Philippines và Đài Loan (Trung Quốc), bão Yutu sẽ di chuyển lên Trung Quốc và phía đông bắc Nhật Bản vào cuối tuần tới.
Trước đó, khi siêu bão Yutu đổ bộ hòn đảo Tinian, mắt bão của siêu bão Yutu đã "nuốt trọn" hòn đảo Tinian rộng 100km2. Xem hình:
Nguồn: Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).
Bài viết sử dụng nguồn: AccuWeather, Washington Post