Hành trình kéo dài 6 giờ đồng hồ gần đây của Alan Wu từ Bạng Phụ, miền đông Trung Quốc, đến Thượng Hải trên chiếc xe điện liền mạch một cách đáng ngạc nhiên. Đó là bởi Wu không phải dừng lại và đợi sạc pin như trước. Tất cả những gì cần làm là đổi pin.
Thay vì đỗ cạnh dãy trạm sạc, anh lái xe vào một tòa nhà hiện đại giống như gara và nhấn nút trên bảng điều khiển. Một cánh tay cơ khí tự động mở rộng để tháo, lắp pin, trong khi nhân viên giám sát kiểm tra để đảm bảo chất lượng. Quá trình tự động chỉ diễn ra trong vòng 5 phút.
“Tôi rất vui vì không phải đợi hàng giờ bên đường như nhiều chủ xe điện khác. Nó thậm chí còn nhanh hơn việc nạp tiền đổ xăng truyền thống”, Wu nói và cho biết Nio ES6 của mình là một trong số ít mẫu xe hỗ trợ hoán đổi pin đặc biệt.
Hoán đổi pin rất hiếm bởi nó yêu cầu cả xe điện chuyên dụng hỗ trợ tính năng và mạng lưới các trạm hoán đổi. Thế nhưng Trung Quốc lại làm được!
Tính đến cuối năm 2023, tổng số trạm đổi pin tại Trung Quốc lên tới 3.567, trong đó có 2.333 trạm do Nio vận hành. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ca ngợi Trung Quốc là “người dẫn đầu cơ sở hạ tầng trao đổi pin toàn cầu”.
Công nghệ này ban đầu tiên phong vào năm 2008 bởi Better Place, một công ty có trụ sở tại San Francisco hoạt động tại Israel nhằm mục đích giảm giá xe điện trên toàn thế giới. Hệ thống không thành công ở Israel vì những khó khăn về tài chính.
Trong khi đó, vị thế Trung Quốc lại khác. Quốc gia này sở hữu gần một nửa lượng xe điện trên toàn cầu, 85% bộ sạc nhanh và 65% bộ sạc chậm, đồng thời dẫn đầu thế giới về cơ sở hạ tầng xe điện .
Tuy nhiên, theo một khảo sát của JD Power, thời lượng pin và khả năng tiếp cận các trạm sạc vẫn là rào cản lớn nhất đối với người tiêu dùng Trung Quốc khi chuyển từ xe động cơ đốt trong (ICE) sang xe điện .Theo một báo cáo năm 2023 của Liên minh Xúc tiến Cơ sở Hạ tầng Sạc Xe Điện Trung Quốc (EVCIPA), chủ sở hữu xe điện Trung Quốc phải xếp hàng hơn 1 giờ mới có trạm sạc trong những ngày nghỉ lễ, sau đó đợi trung bình 50 phút nữa để xe sạc xong. Vào những ngày bận rộn, hàng dài người xếp hàng dài trên đường cao tốc và 70% chủ sở hữu xe điện Trung Quốc được khảo sát cho biết họ không hài lòng với điều này.
Những người sử dụng trạm đổi pin sớm tại Trung Quốc, cụ thể của Nio, nói với Rest of World rằng dịch vụ này đã cải thiện đáng kể trải nghiệm, nhất là với những chuyến đi dài. Họ chỉ cần lái xe đến các trạm, đổi pin cũ và lấy pin mới.
Bill Russo, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty tư vấn EV Automobileity, cho biết giải pháp này có thể khó khăn lớn cho cả người tiêu dùng và đội xe thương mại, đồng thời truyền cảm hứng cho các đối tác quốc tế. “Thế giới đang tiến tới tương lai và Trung Quốc đang chạy đua”, Bill Russo nói.
Wu chỉ là một trong hàng trăm nghìn chủ sở hữu xe điện của Nio - hãng xe vốn đang kỳ vọng nổi bật lên so với các đối thủ cạnh tranh bằng cách cung cấp dịch vụ khách hàng vượt trội. Một khách hàng khác, James Zhang, chủ sở hữu Nio EV ở Thượng Hải, thì chia sẻ rằng tiện ích từ việc hoán đổi pin chính là lý do khiến anh chọn thương hiệu này.
Khi mua xe Nio, khách hàng có thể chọn sở hữu pin hoặc đăng ký dịch vụ cho thuê pin (BaaS) với giá 12.720 nhân dân tệ (1.760 USD) mỗi năm. Nếu khách hàng chọn không sở hữu pin, giá mua có thể giảm tới 70.000 nhân dân tệ (9.687 USD). Mỗi lần đổi pin có giá 80–100 nhân dân tệ (11–13,8 USD, tương đương 270-345 nghìn đồng).
“Bên cạnh thời gian sạc ngắn, thay pin sẽ làm giảm nguy cơ pin lỗi thời, cho phép người dùng đổi lấy pin nâng cấp khi công nghệ phát triển”, Bill Russo nói thêm.
K. Zé Liu, nhà phân tích nghiên cứu tại Viện Tài nguyên Thế giới, chỉ ra rằng với mô hình hoán đổi pin, chủ sở hữu không cần phải trả tiền mua pin mới, vốn là thành phần đắt nhất của xe điện . “Điều này giúp giảm giá thành ô tô và rất hấp dẫn đối với các công ty có đội xe thương mại. Họ có thể mua ô tô số lượng lớn với chi phí thấp, sau đó thuê pin để giảm đáng kể chi phí vận hành”, Liu nói với Rest of World.
Theo sau Nio, một số công ty nổi bật trong lĩnh vực xe điện cũng đang tham gia vào xu hướng hoán đổi pin. Vào ngày 28 tháng 1, nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology (CATL) và gã khổng lồ dịch vụ gọi xe Didi đã công bố cùng nhau hợp tác khởi động dự án hoán đổi pin mới. Lần bắt tay nhằm mục đích phát triển các trạm trao đổi pin cho đội xe thương mại trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ gọi xe.
Tuy nhiên, tương lai cuộc cách mạng hoán đổi pin còn phụ thuộc nhiều vào tiêu chuẩn toàn ngành để đảm bảo khả năng tương thích. Năm 2021, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin công bố tiêu chuẩn an toàn cho các trạm đổi pin. Vào tháng 6 năm 2023, lãnh đạo Xin Guobin tuyên bố Trung Quốc hướng tới một tiêu chuẩn chung về kích thước pin và điểm kết nối để tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc cách mạng lớn.
Alexander Li, kỹ sư pin kiêm đồng sáng lập Diễn đàn Khí hậu Trung Quốc cho biết việc áp dụng tiêu chuẩn pin phổ quát là điều cần thiết để có khả năng tương thích giữa các thương hiệu.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư và nhà phân tích vẫn đặt ra câu hỏi về lợi nhuận của việc hoán đổi pin. Chi phí xây dựng mỗi trạm hoán đổi điện thế hệ thứ hai cho Nio tối thiểu là 1,5 triệu nhân dân tệ (207.581 USD), cao hơn hầu hết các trạm sạc quy mô vừa và nhỏ. Trong khi đó, xây dựng một trạm sạc nhanh có thể chỉ mất 100.000 nhân dân tệ (13.838 USD), còn trạm sạc chậm có giá chỉ 10.000 nhân dân tệ (1.383 USD).
Nio hiện vẫn chưa có lãi, đồng thời ghi nhận khoản lỗ 2,9 tỷ USD vào năm 2023. Bên ngoài Trung Quốc, hãng xây dựng 30 trạm đổi pin trên khắp châu Âu, ở Đan Mạch, Đức, Na Uy, Hà Lan và Tây Ban Nha.
“Việc thiết lập các trạm đổi pin vô cùng tốn kém”, Jason Hong, tổng giám đốc công ty pin Ruipulan Jun Energy (REPT) Battero, nói. “Tuy nhiên, nếu đạt tiêu chuẩn hóa toàn ngành, chúng ta có thể giảm chi phí tổng thể”.
Theo: Rest of World, Bloomberg