Trung Quốc từng tự tin đập Tam Hiệp trường tồn vạn năm
Ông Zhao Chengmu nói với báo Los Angeles Times (Mỹ) vào tháng 8/2010, cho biết ông sinh sống ở khu vực ngay bên dưới đập Tam Hiệp. Nếu công trình khổng lồ này sụp đổ, ông sẽ là một trong những người đầu tiên thiệt mạng.
Ông Zhao tin rằng kịch bản vỡ đập sẽ không bao giờ xảy ra.
"Con đập này sẽ vĩnh viễn trường tồn," Zhao nói. "Ngay cả khi nó bị tấn công bằng tên lửa của Mỹ, nó cũng sẽ không vỡ mà chỉ rung chuyển một chút thôi."
Tương tự Zhao, hầu hết người dân Trung Quốc đánh giá cao công trình tiêu biểu của nhà nước nhằm kiểm soát sông Dương Tử (Trường Giang) vĩ đại, ngăn chặn các đợt lũ lụt hàng năm và tận dụng sức nước để cung cấp năng lượng sạch.
Các ý kiến trái chiều nói rằng giá thành 25 tỷ USD của dự án Tam Hiệp là đắt đỏ nhất trong lịch sử, chưa kể đến 3.000 tấn rác đổ vào hồ chứa của đập mỗi ngày.
Tại thời điểm Los Angeles Times đưa tin, một năm sau khi đưa vào vận hành toàn diện, một số vết nứt đã xuất hiện trên hình ảnh công khai của dự án.
Trong đợt mưa lũ năm 2010 - được đánh giá là tồi tệ nhất tại Trung Quốc trong 1 thập kỷ, năng lực kiểm soát dòng nước sông Dương Tử đã được kiểm nghiệm.
Vào tháng 7/2010, khi nước lũ đổ vào hồ chứa dài hơn 643km của đập Tam Hiệp với lưu lượng gần 16.000 m3/s, một quan chức chính phủ Trung Quốc thừa nhận "khả năng kiểm soát lũ của đập không phải là vô hạn". Điều này được cho là sự thừa nhận những trận lũ nghiêm trọng vẫn có thể dẫn đến rủi ro vỡ đập.
Trước đó vài năm, giới chức Trung Quốc từng đưa ra những ca ngợi "trên mây" đối với dự án Tam Hiệp. Năm 2003, các quan chức nói rằng đập Tam Hiệp có thể chống chọi với những cơn lũ tồi tệ nhất trong 10.000 năm. Năm 2007, đánh giá này được rút xuống còn 1.000 năm, và đến năm 2008 thì chỉ còn 100 năm.
Chỉ trọng lực Trái đất mới làm đập Tam Hiệp biến dạng
Tương tự mùa mưa lớn năm nay - phá kỷ lục 80 năm qua tại Trung Quốc, vào năm 2010 nhiều chuyên gia công trình cũng thể hiện quan ngại đối với khả năng của đập Tam Hiệp.
"Mưa lũ lớn hơn tất cả dự kiến," John Byrne - giám đốc Trung tâm chính sách năng lượng và môi trường, Đại học Delaware, Mỹ - nói với Los Angeles Times. "Vấn đề mà nhiều người dự đoán dường như đang tự lộ ra."
Truyền thông Trung Quốc khi đó cảnh báo mực nước gia tăng trong hồ chứa của đập Tam Hiệp làm gia tăng rủi ro xảy ra lở đất hay động đất. Nhà chức trách thừa nhận công trình này sẽ không ngăn chặn được hoàn toàn dòng lũ trên sông Dương Tử.
Tạp chí Scientific American (Mỹ) tháng 3/2008 dẫn lời các quan chức Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận đập thủy điện khổng lồ trên có khả năng dẫn đến lở đất, làm biến đổi toàn hệ sinh thái và gây ra những vấn đề môi trường nghiêm trọng khác, có thể gây nguy hại cho đời sống của hàng triệu người sinh sống tại khu vực lân cận.
Tháng 7/2019, đập Tam Hiệp tiếp tục vướng tranh cãi khi hình ảnh của Google Maps cho thấy con đập có dấu hiệu cong vênh, làm dấy lên lo ngại về chất lượng và độ an toàn của công trình. Tuy nhiên, Tập đoàn khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc đã nhanh chóng công bố ảnh chụp vệ tinh chất lượng cao của đập Tam Hiệp, khẳng định nó "hoàn toàn không có vấn đề gì".
Tờ The Paper (Trung Quốc) đăng thông cáo của ông Zhang Boting - Phó tổng thư ký Hiệp hội công trình thủy điện Trung Quốc, cho rằng có nhiều đập thủy điện ở nước ngoài "lớn hơn nhiều so với Tam Hiệp và đã tồn tại hàng chục, thậm chí hơn 100 năm, nhưng chúng ta chưa từng nghe nói chúng có vấn đề về biến dạng".
Trả lời Thời báo Hoàn Cầu ngày 7/7/2019, ông Guo Xun - chuyên gia tại tại Viện Cơ học Công trình thuộc Cục Động đất Trung Quốc, tái khẳng định đập Tam hiệp là một dự án "tuyệt đối an toàn, có thể tồn tại đến 1.000 năm".
"Ngoại trừ trọng lực của Trái đất, không một sức mạnh bên ngoài nào - kể cả lũ lụt hay động đất - có thể làm đập biến dạng," Guo nói. Ông lưu ý thực tế rằng tất cả đập nước đều có sự biến dạng xác định dưới tác động của trọng lực, song chừng nào quá trình này còn nằm trong phạm vi đàn hồi của đập thì tất cả đều an toàn.
Nếu một ngày đập Tam Hiệp bị biến dạng vượt khỏi phạm vi đàn hồi [trở lại hình dạng ban đầu] của nó, Guo nói, thì các thanh cốt thép có khả năng nén cực cao ở bên trong sẽ giúp đập không thể bị sập.