Dường như việc đốt tiền chiếm thị phần đã không còn là xu thế trong năm 2020, các hãng đặt xe công nghệ chuyển sang cuộc đua siêu ứng dụng.
Cuộc chiến màu xanh lá
Sau thời gian hoạt động gần 2 năm, ứng dụng đặt xe Goviet chính thức bị thay thế Gojek. Người dùng không thể tiếp tục sử dụng ứng dụng GoViet và phải cài ứng dụng mới là Gojek. Tài xế GoViet đổi từ đồng phục áo đỏ sang màu xanh - đen đặc trưng của Gojek. Màu sắc chủ đạo là xanh lá, tương đồng với màu của Grab, Gojek chính thức bước vào cuộc đua trên thị trường đặt xe công nghệ.
Ngày chào sân của Gojeck không mấy suôn sẻ khi người dùng tố chương trình “Miễn phí đồ uống dưới 30 nghìn” truy cập nhưng không được hưởng khuyến mãi như hãng tuyên bố. Họ than phiền rằng đặt đồ uống miễn phí nhiều lần không được, hoặc có đặt được thì không tìm được tài xế. Số khác thì chỉ được miễn phí giao hàng thay vì miễn phí toàn bộ đồ uống.
Đây cũng là lý do nhiều khách hàng thẳng tay cho ứng dụng này 1 sao trên kho ứng dụng của iOS và Android. Một số khách hàng còn tuyên bố sẽ thẳng tay xóa app hoặc chuyển sang dùng của đối thủ khác.
Đặt xe công nghệ lại nóng |
Ngoài câu chuyện miễn phí đồ uống kể trên, phần cài đặt mặc định trong ứng dụng cũng khiến nhiều khách hàng không hài lòng. Theo đó, khi đăng nhập bằng số điện thoại, Gojek để mã vùng mặc định là +62 của Indonesia hay vì đặt sẵn mã +84 của Việt Nam.
Gojek ra mắt tại Indonesia năm 2010, trở thành siêu kỳ lân đầu tiên của Indonesia và thứ hai tại Đông Nam Á, theo báo cáo Global Unicorn Club.
Khi quyết định thâm nhập vào thị trường quốc tế đầu tiên ngoài Indonesia là Việt Nam từ giữa năm 2018, ban lãnh đạo Gojek quyết định dùng thương hiệu GoViet và xây dựng một ứng dụng riêng.
Màu xanh của Gojek chắc chắn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ của Grab, đối thủ lớn trong lĩnh vực này cũng có màu áo xanh. Một báo cáo gần nhất của ABI Research cho thấy Grab đứng đầu thị trường Việt Nam về số lượng cuốc xe hoàn thành. Về thị phần, Grab chiếm tới 73%, trong khi GoViet chỉ đứng thứ ba chiếm hơn 10%.
Ngoài Grab, Gojeck còn chịu cạnh tranh của Be. Ứng dụng này có 2 dịch vụ chính là BeBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh) và BeCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh). Be đặt mục tiêu sẽ có mặt tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước vào 2019, đến hết 2020 sẽ hiện diện tại 63 tỉnh thành. Số lượng tài xế đến cuối 2019 là 110.000 người và ứng dụng đạt 6,6 triệu lượt tải.
Cuộc đua về dịch vụ
Dù đánh giá tiềm năng, song thị trường gọi xe công nghệ được coi là “đốt tiền”, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính lớn. Theo ABI Research, các khoản lỗ lớn buộc các công ty phải cắt giảm chi phí, đồng thời dấy lên câu hỏi về việc tăng trưởng bền vững của ứng dụng gọi xe nói chung.
Tăng thị phần và giảm chi phí không đủ để tăng trưởng bền vững, do đó các công ty đang buộc phải mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khác ngoài gọi xe.
Đi đầu phải kể tới Grab, từ vận chuyển hành khách bằng ô tô và xe máy, hãng này đã nhanh chóng mở thêm thị phần sang giao hàng, ship đồ ăn, đi chợ hộ và thêm một loạt các tiện ích khác trên một ứng dụng.
Cuộc đua siêu ứng dụng |
Ứng dụng gọi xe “be”, vừa tung ra dịch vụ mới mang tên beTaxi với hai chọn lựa là xe 4 chỗ và xe 7 chỗ. Đây là kết quả của việc hợp tác giữa beGroup và công ty Vinataxi – công ty taxi lâu đời nhất thị trường Việt Nam.
Còn Gojek mới chỉ cung ứng 3 dịch vụ chở khách, giao đồ ăn và giao hàng bằng xe 2 bánh ở thị trường Việt Nam.
Không chỉ vậy, các ứng dụng còn cho ra mắt ví điện tử riêng hoặc đã nhanh nhẹn liên kết với các ví để tạo thành những hệ sinh thái riêng. Grab có Moca thì Fastgo có Vimo cũng cùng "mẹ". be chọn cách đa dạng hóa phương thức thanh toán, cho phép khách trả qua ví SmartPay lẫn MoMo.
Vato thì cho phép nạp tiền vài tài khoản từ MoMo lẫn ZaloPay. Sau 2 năm hoạt động, Gojek này vẫn chỉ cho phép khách hàng thanh toán bằng một phương thức duy nhất là tiền mặt.
Các hãng xe công nghệ cũng đang chịu sự cạnh tranh của các ứng dụng chuyên trong từng lĩnh vực. Now hồi cuối tháng 9/2019 cũng đã tích hợp vào Shopee. Tân binh Baemin (Hàn Quốc), sau khi mua lại vietnamm.com đã liên tục tung ra các chương trình thu hút người sử dụng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch bệnh đang gây tác động lên nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện là nhóm đông đảo nhất, nhưng lại gặp khó khăn nhất trong khâu tiếp cận vốn để sống sót qua mùa dịch. Từ đó các startup gọi xe công nghệ, nếu muốn gia nhập thị trường ở thời điểm này cũng cần cân nhắc kĩ lưỡng.
Thư Kỳ