Tờ Bloomberg đưa tin, Elizabeth Holmes vừa bị kết tội gian lận hình sự sau khi cô xây dựng công ty khởi nghiệp xét nghiệm máu Theranos thành một công ty trị giá 9 tỷ USD chỉ để rồi sụp đổ trong một vụ bê bối.
Bồi thẩm đoàn ở toà án San Jose, California, đã ra phán quyết sau ba tháng nghe lời khai, tranh cãi gay gắt từ chính Holmes. Trừ khi quyết định bị lật lại khi kháng cáo, cựu CEO, người mẹ 37 tuổi này sẽ phải đối mặt với án tù tới 20 năm.
Holmes vẫn hoàn toàn yên lặng và đứng thẳng khi bản án được đọc. Cô nhìn thẳng vào bồi thẩm đoàn khi họ được thẩm phán thăm dò ý kiến để xác định xem phán quyết có khớp với kết luận của họ hay không.
Việc Holmes rơi từ vị trí giám đốc điều hành, người nổi tiếng trở thành người mang trọng tội đánh dấu một trong những sự cố ấn tượng nhất trong lịch sử Thung lũng Silicon. Sau khi cân nhắc trong bảy ngày, hôm thứ Hai, bồi thẩm đoàn đồng ý với các công tố viên rằng Holmes đã nói dối bệnh nhân và nhà đầu tư trong nhiều năm về tính chính xác và khả năng của máy phân tích máu Theranos. Holmes bị kết bốn trong số 11 tội danh.
Về phía các nhân chứng, họ nói rằng mình đã bị lừa dối nặng nề bởi một doanh nhân bỏ học tại Đại học Stanford. "Họ" ở đây bao gồm các giám đốc điều hành tại Walgreens và Safeway Inc. đến James Mattis, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người từng có một ghế trong hội đồng quản trị Theranos, cũng như cố vấn cho các nhà đầu tư đã rót hàng trăm triệu USD vào công ty này.
Trong bảy ngày tranh luận trên toà, Holmes xen kẽ giữa việc đổ lỗi, không nhớ các sự kiện nhất định và nhận trách nhiệm về những sai lầm, ngay cả khi khẳng định cô không có ý định lừa dối bất kỳ ai.
Khoảnh khắc kinh khủng nhất trong phòng xử án là khi Holmes khai rằng cô đã bị cưỡng hiếp khi còn là sinh viên tại Đại học Stanford và phải chịu đựng nhiều năm lạm dụng tình dục và lời nói từ bạn trai cũ, cựu Chủ tịch Theranos Ramesh "Sunny" Balwani.
Theo lời kể của Holmes, việc lạm dụng trong suốt mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ với Balwani đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của cô. Tuy nhiên, một công tố viên nói với bồi thẩm đoàn khi kết thúc lập luận rằng hành vi bị lạm dụng mà bị cáo nhắc đến không liên quan đến hành vi gian lận mà Holmes đã bị buộc tội.
Đội luật sư của Holmes đã cố gắng thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng cô ấy đã nỗ lực chân thành trong hơn 15 năm để hướng Theranos đến thành công và không đáng bị trừng phạt vì không đạt được ước mơ của mình.
"Elizabeth Holmes đang xây dựng một doanh nghiệp chứ không phải một doanh nghiệp tội phạm", luật sư Kevin Downey nói.
Holmes trở nên nổi tiếng với lời hứa về một cuộc cách mạng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dựa trên tuyên bố của cô rằng các thiết bị Theranos nhỏ gọn có thể thực hiện hàng trăm xét nghiệm chẩn đoán nhanh hơn, chính xác hơn và rẻ hơn các máy xét nghiệm truyền thống lớn hơn.
Một điểm đáng chú ý là các máy phân tích của Theranos có thể đưa ra kết quả chỉ với một chút máu chích thay vì cả lọ máu được rút ra. Holmes trích dẫn nỗi sợ kim tiêm của chính cô ấy là nguồn cảm hứng cho phát minh này.
Đến năm 2015, Holmes được Forbes bình chọn là nữ tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất và được vinh danh trên trang bìa của các tạp chí. Nhưng cùng năm đó, Wall Street Journal đã công bố những câu chuyện chỉ ra những sai sót trong công nghệ Theranos, khiến các nhà quản lý vào năm sau kết luận rằng cỗ máy này gây nguy hiểm cho sức khỏe bệnh nhân.
Những tiết lộ kể trên đã gây ra các vụ kiện dân sự, bao gồm một vụ kiện Holmes được giải quyết với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, cũng như cuộc điều tra và truy tố của Bộ Tư pháp.
Nguồn: Bloomberg