Viện KSND tỉnh Lâm Đồng vừa ra cáo trạng, truy tố bị can Bùi Thị Anh Thư (39 tuổi, trú đường Đào Duy Từ, Phường 4, TP. Đà Lạt) về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Hai cán bộ của ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hồ (Hà Nội) là Phạm Thế Long (39 tuổi, nguyên giám đốc phòng giao dịch) và Nguyễn Thị Bích Hạnh (47 tuổi, nguyên phó phòng quan hệ khách hàng cá nhân) cùng với Đàm Văn Chung (33 tuổi, trú tại đường Cầu Giấy, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị truy tố về tội giả mạo trong công tác.
Theo kết quả điều tra, cơ quan chức năng xác định: Cuối năm 2015, thông qua môi giới, Thư thỏa thuận mua nhà - đất của bà Ngô Phương Anh tại số 261 Phan Đình Phùng (Phường 2, TP.Đà Lạt) với giá 36 tỷ đồng.
Bùi Thị Anh Thư
Thư dùng thẻ tiết kiệm (TTK) 40 tỷ đồng (đứng tên Trần Thị Thanh Dung) để đảm bảo thanh toán 36 tỷ mua nhà – đất của bà Anh. Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, phát hiện Thư không được phép sử dụng tiền trong TTK này nên bà Anh không giao bản gốc giấy tờ nhà - đất và không tiếp tục việc chuyển nhượng.
Do đang nợ cả chục tỷ đồng nên Thư nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Anh để trả nợ. Thư thuê Chung làm TTK ghi số tiền 30 tỷ đồng đứng tên Thư.
Chung liên hệ với Hạnh để làm TTK. Hạnh hỏi vay Nguyễn Thị Hoa 30 tỷ đồng trong vòng 1 ngày; lập giấy đề nghị ngân hàng xác nhận thủ tục chuyển nhượng/tặng cho tiền gửi 30 tỷ đồng đề ngày 21/6/2016 từ bà Hoa cho Thư và giấy đề nghị xác nhận thủ tục chuyển nhượng/tặng cho tiền gửi 30 tỷ đồng đề ngày 22/1/2016 từ Thư sang lại cho bà Hoa. Hạnh chuyển 2 giấy này cùng TTK của bà Hoa cho Long để Long phát hành TTK cho Thư.
Long còn yêu cầu Thư ký xác nhận giấy yêu cầu phong tỏa tài khoản/tài sản, giấy báo mất chứng nhận tiền gửi, giấy yêu cầu giải tỏa. Với những chứng từ nói trên, Long cho thực hiện các thủ tục phát hành, phong tỏa, giải tỏa, báo mất, tất toán TTK ngay trong ngày 22/1/2016, còn Thư được giữ bản gốc TTK ghi số tiền 30 tỷ (thực chất không có tiền) trong 3 tháng. Thư đã đưa cho chung 300 triệu đồng để có TTK “giả” này.
Vì không biết TTK ghi 30 tỷ này thực chất không có giá trị, bà Anh đã giao tài sản cùng toàn bộ giấy tờ gốc nhà – đất số 261 Phan Đình Phùng cho Thư sang tên.
Đến thời điểm phải trả TTK gốc cho Chung, lo sợ bà Anh đi rút tiền ngân hàng sẽ phát hiện thẻ “giả”, Thư chuyển vào tài khoản của bà 390 triệu đồng, nói dối đó là tiền lãi của TTK 30 tỷ; đồng thời đề nghị bà tiếp tục gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng để hưởng lãi suất.
Lần này, Chung - Long - Hạnh lại diễn trò làm thẻ “giả” 32 tỷ mang tên bà Anh y như khi làm TTK 30 tỷ mang tên Thư, trong khi bà Anh không hề biết đang cầm TTK 32 tỷ đồng “ảo”. Thư trả chi phí cho nhóm của Chung 320 triệu đồng.
Đến cuối tháng 6/2016, Chung yêu cầu Thư lấy bản gốc TTK 32 tỷ từ bà Anh để trả cho ngân hàng nhưng Thư không nghĩ được cách gì để thực hiện. Sốt ruột, Chung nhắn người báo bà Anh trả TTK khiến bà nghi ngờ. Đến ngân hàng kiểm tra, bà Anh hoảng hốt phát hiện thẻ không có tiền và đã tố cáo vụ việc với công an.
Theo Viện KSND tỉnh, sau khi chiếm đoạt nhà – đất của bà Anh, Thư còn dùng tài sản này để lừa đảo, chiếm đoạt của ông Phạm Văn Mỹ (Quận 9, TP.HCM) 27 tỷ và ông Nguyễn Đức Nhân (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) 5 tỷ. Như vậy tổng số tiền mà Thư đã chiếm đoạt của 3 bị hại lên đến hơn 60 tỷ đồng.