Giống bí có hình dáng kỳ lạ trông như những quả dưa hấu này kỳ thực là một loại bí hương thông thường được chị Huyền mua trong một lần đi chơi ở khu vực miền núi phía Bắc. Mỗi lần thu hoạch bà mẹ nông dân sân thượng này thường giữ lại những quả già, lấy hạt và phơi hạt rồi chia sẻ cho bạn bè người thân.
Chị Huyền kể: "Ai cũng thích giống bí này vì nó tròn tròn dễ thương và ăn ngon. Trước đây có nhiều trái to nhưng mình không để ý, thường trung bình mỗi quả nặng từ hơn 4kg trở lên". Chính vì khối lượng "khủng" của mỗi quả bí nên thay vì làm giàn bằng tre nứa, chị Huyền chọn những thanh sắt để giàn bí được kiên cố, chắc chắn, không bị...sập giàn.
"Tuy có vẻ bề ngoài và tên gọi đặc biệt nhưng cách trồng cũng như chăm sóc giống bí này lại không hề đặc biệt mà như bao loại bí khác. Thậm chí, chúng còn không kén đất, quả lại sai, cùi dày và to, mỗi nhà một quả là đã có thể chế biến được thành rất nhiều món ăn. Có hôm, chỉ nấu trên bếp mà mùi thơm của nó đã lan tỏa khắp nhà", chị Huyền kể lại.
Khi chia sẻ cách trồng và chăm sóc bí đao trong vườn nhà, chị Thu Huyền cho biết bí dưa hấu là giống cây thân leo, thích hợp gieo hạt khoảng tháng 2 và tháng 9 – khi thời tiết mát mẻ.
Cụ thể, khi hỏi đồng bào dân tộc miền núi nơi mua cây bí, chị Huyền được biết, trên đó, họ trồng 1 vụ từ tháng 2 đến tháng 6. Tuy nhiên, khi thử nghiệm ở Hà Nội, chị trồng thử được giống này quanh năm nhưng để cho thu hoạch quả năng suất cao nhất là từ tháng 2 dương lịch đến tháng 9 dương lịch, những tháng còn lại do thời tiết lạnh và sâu bênh nên cây kém phát triển và ít quả.
"Bí dưa hấu có thể chế biến thành nhiều món, trong đó có món xào, món luộc, và nấu canh,... các con mình rất thích món bí dưa hấu này vì đặc biệt ngoài vị ngọt thanh và mát, loại bí đặc biệt này còn có mùi thơm như lúa nếp", chị Huyền chia sẻ.
Một quả bí dưa hấu bất kỳ trên giàn được chị Huyền đem cân thử với khối lượng 4,2kg.
Ngoài dây đen để giữ quả thì chính những bệ đỡ bằng xốp như thế này là một trong những "trợ lí" đắc lực giúp những trái bí dưa hấu còn trên giàn và phát triển tốt đem lại năng suất cao.
Do gia đình cũng không có nhiều người ăn nên mỗi lần thu hoạch nhà chị Huyền không thể sử dụng được hết mà thường đem đi biếu người thân và bạn bè.
Chia sẻ về cách trồng giống bí dưa hấu độc lạ này, chị Huyền cho hay: "Trước khi gieo hạt, cần chuẩn bị đất thật tốt để cây có thể sinh trưởng nhanh và sai quả. Trộn đều đất thịt với tro bếp và lân để bón lót trước khi trồng. Chị trồng bí trên sân thượng trong thùng xốp".
Thành quả thu được từ giàn bí khủng của chị Thu Huyền
Cụ thể, chị Huyền sử dụng 3 thùng xốp với kích thước 35*40 để ghép vào nhau và trồng. Đối với việc chọn giống, may mắn chị chọn được cây giống to, khỏe và chắc cây. Còn nếu về sau trồng bằng hạt, chị chọn hạt giống khỏe và chắc. Nếu hạt đã phơi khô thì nên ngâm hạt trong nước ấm qua đêm hoặc ngâm hạt từ sáng đến chiều rồi mới gieo trực tiếp lên đất đã ủ.
Nếu lấy hạt tươi từ bí già thì không cần ngâm nước ấm, có thể gieo trực tiếp xuống đất luôn. Gieo từ hạt tươi tỷ lệ nảy mầm cao và nhanh hơn gieo từ hạt khô. Đào lỗ sâu chừng 1cm và cho hạt vào rồi lấp đất lại. Một chậu gieo chừng 3, 4 hạt là vừa để hạt có thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng. Lưu ý để chậu ở nơi ít nắng.
Chị Huyền cũng lưu ý cần tưới đủ ẩm hàng ngày, tránh tưới quá nhiều sẽ gây ra sũng nước gây thối hạt. Sau 1 tuần hoặc 10 ngày hạt sẽ nảy mầm lên cây . Cây lên còn non chỉ nên tưới nước sạch. Khi cây lên cao được khoảng 15 ngày bắt đầu bón thúc bằng phân NPK với tỉ lệ 1 chén uống nước pha 1 thùng sơn loại 18 lít. Trong giai đoạn này, ngày nắng nóng thì tưới sáng chiều kèm tưới xen kẽ tuần 2 lần nước vo gạo hoặc phân cá.
Cây con sau 15 ngày gieo hạt, lúc này cây rất cần ánh nắng, nên mang chậu ra nơi có nắng trực tiếp. Lưu ý cung cấp đủ nước, tưới cây 2,3 lần một ngày để cây sinh trưởng tốt.
Theo chị Huyền, cần lưu ý gốc bí dưa hấu rất to nên nếu bạn trồng bí trong chậu thì nên chuẩn bị sẵn các loại chậu có chiều cao tối thiểu 50-60cm và đường kính 40-50cm để có đủ đất cho cây phát triển và tiện việc bón phân. Ngoài ra, ủ vỏ trái cây trực tiếp ngay xuống gốc sẽ giúp cây phát triển tốt.
Khi cây ở giai đoạn bắt đầu leo giàn, cần tưới dung dịch sau: pha 2 chén NPK với 18 lít nước tưới như trên . Cây bò giàn 2 - 3m thì tiến hành ngắt ngọn cho nó đẻ nhiều nhánh vào tạo quả.
Khi cây nhiều ngọn cũng là lúc cần pha NPK đặc hơn với tỷ lệ: 3 chén NPK hòa tan trong 18 lít nước tưới và cũng tiến hành cũng như trên.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Huyền nhấn mạnh ngay khi cây bắt đầu có hoa thì phải ngưng tưới NPK. Lúc này chỉ nên tưới hàng tuần bằng nước gạo ủ chua hoặc phân cá.
Giai đoạn này cần thúc cho cây đậu quả, để cây ra quả thì khi cây leo giàn và khi bắt đầu có hoa cần pha thêm 1 chén kali với hỗn hợp phân NPK tưới với tần suất 1 tuần 1 lần.
Để tạo cho quả đậu nhiều hơn ngoài việc bón thêm kali thì ta nên thụ phấn cho cây vào sáng sớm từ 7- 8h sáng. Qua quan sát của chị Huyền thì đó là thời gian hoa bí nở rộ và nhiều phấn nhất. Chỉ cần lấy hoa đực (chỉ có cánh hoa) dí vào hoa cái (có phần bầu quả dưới cánh hoa) là được. Khi quả đã đậu thì vẫn bón tưới phân hữu cơ hàng tuần cho tới khi gần thu hoạch thì dừng bón chỉ còn tưới nước sạch.
Khi quả ngả phấn trắng là đã già và có thể hái được.
Về sâu bệnh trong quá trình trồng bí dưa hấu, chị Huyền khuyên các nông dân phố cần lưu ý đến loại loại rệp và nhện đỏ, hai loại côn trùng gây hại cho cây. Khi xuất hiện hai loại côn trùng trên cần để ý và tiêu diệt để chúng không ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng bí dưa hấu.
Chia sẻ riêng với Dân Việt, chị Huyền cho hay, với chị thì trồng rau sạch cho nên chỉ sử dụng thảo dược để phun.
Bằng cách ngâm 100g thuốc lào trong 3 lít nước để qua đêm. Sau đó chắt nước pha thêm 1,5 chén rượu trắng phun đều khắp cây vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Nếu cây có quá nhiều rệp thì nên cách ngày phun lặp lại một lần sẽ hết sạch rệp và nhện đỏ. Nhìn từ dưới lên cảm giác như những trái bí treo trên giàn như những trái lồng đèn tròn đang treo vậy. Sáng sớm hay tối muộn sau những giờ làm, hoặc cuối tuần, chị lại cùng chồng và con lên vườn cùng chăm sóc và ngắm bí.