Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM cho biết, hàng hóa Saigon Co.op dự trữ cho riêng dịch bệnh được so sánh tương đương với lượng hàng dự trữ cho dịp Tết Nguyên Đán vừa qua.
Các mặt hàng này có thể kể như: gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa … Trong nhóm này, các mặt hàng đặc thù dành riêng cho phòng chống bệnh về đường hô hấp như gel rửa tay, khẩu trang… được đặc biệt chú trọng và luôn sẵn sàng tăng cường cho các điểm bán.
Người dân đổ xô đến siêu thị mua thực phẩm sau khi Hà Nội công bố ca mắc Covid-19 đầu tiên.
Riêng mặt hàng khẩu trang, trong tuần vừa qua, Saigon Co.op đã trao tặng 100.000 khẩu trang y tế cho ngành y tế TP.HCM và 170.000 khẩu trang vải kháng khuấn cho khối HS lớp 12 tại TP.HCM để các em chuẩn bị quay lại trường học vào ngày 09/3 như thông báo của Sở GD & ĐT.
Ghi nhận tình hình tại các Co.opmart TP.HCM, sức mua tăng từ 30 – 40% so với ngày bình thường vì lý do 2 ngày cuối tuần nên người dân tập trung mua sắm cho cả tuần kế tiếp. Hàng hóa luôn đầy ắp, không trống quầy. Hệ thống cũng không ghi nhận tình trạng thu gom, đầu cơ.
Sáng ngày 7/3, sau khi UBND TP. Hà Nội công bố ca mắc Covid – 19 đầu tiên, các hệ thống phân phối của Saigon Co.op (bao gồm Co.opmart, Co.opmart SCA, Co.op Food) có lượng người mua sắm tăng gấp 20 lần so với ngày thường. Tuy nhiên, các điểm bán này đã không xảy ra tình trạng bị động, thiếu hàng. Các mặt hàng “hot” như gạo, mì tôm, nước tinh khiết, sữa, nước rửa tay… được nhân viên châm hàng liên tục.
Các điểm bán liên tục khử trùng các dụng cụ tiếp xúc với khách hàng như giỏ hàng, xe đẩy, quầy kệ …; các nhân viên được đo nhiệt độ trước khi vào – hết ca làm việc, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Đây là những biện pháp mà góp phần chặn đứng dịch bệnh.
Nhân viên siêu thị Co.opmart liên tục khử trùng các dụng cụ mua sắm.
Bên cạnh đảm bảo nguồn hàng, kênh mua sắm qua điện thoại, qua wesbite thương mại điện tử của Saigon Co.op cũng đón tiếp hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày; đơn hàng thông qua kênh giao dịch trực tuyến này tăng gấp 10 lần so với ngày bình thường.
Về phía siêu thị Big C, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết, liên quan tới việc Hà Nội xuất hiện ca nhiễm virus Covid-19 đầu tiên, sáng 7/3 đã có tình trạng khách hàng đến mua sắm tại siêu thị tăng đột biến, dẫn đến thiếu hàng cục bộ trên một số quầy hàng.
Theo bà Phương, hệ thống bán lẻ thực phẩm Central Retail đã chủ động trữ lượng tồn kho tăng lên 3-4 lần ngay từ đầu mùa dịch. Tại siêu thị Big C Thăng Long, lượng hàng hóa được siêu thị đáp ứng liên tục, không gián đoạn, tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu như thịt cá, đồ đông lạnh, gạo, dầu ăn...để phục vụ khách mua hàng ở mức cao nhất. Riêng ngày 7/3 đã tăng 4 lần nguồn hàng thực phẩm tươi sống.
"Chúng tôi đã làm việc với Canada, Brazil về nhập khẩu thịt lợn, chỉ trong đầu tuàn tới lượng thịt sẽ về tới Việt Nam, bổ sung thêm nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước. Để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân, BigC sẽ, mở cửa sớm từ 7h sáng và đóng cửa muộn và cam kết không tăng giá sản phẩm", bà Phương thông tin.
Vincommecre cho biết, ngay từ thời gian đầu khi nhận được thông tin về diễn biến dịch bệnh, hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart+ đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp hàng hóa để đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa và ưu tiên các hàng hóa thiết yếu; phục vụ nhu cầu người dân.
Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó Tổng giám đốc Vincommecre khẳng định, VinMart và VinMart+ cam kết đồng hành, đảm bảo nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hoá trên toàn thành phố Hà Nội và toàn quốc.
Hiện VinMart và VinMart+ đảm bảo bình ổn giá với nguồn cung hàng hóa ổn định, bằng việc chủ động đặt hàng, ưu tiên chuyển hàng về các siêu thị có nhu cầu mua sắm lớn từ các nhà cung cấp lớn và uy tín.
Toàn bộ kế hoạch cung ứng hàng hóa đều được VinMart, VinMart+ chủ động, báo cáo và cam kết với Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh để đảm bảo bình ổn thị trường và nguồn cung hàng hóa cho người tiêu dùng.
Với các mặt hàng đặc biệt như khẩu trang y tế, nước rửa tay, VinMart, VinMart+ đã truyền thông tới khách hàng với lượng mua định mức mỗi khách hàng chỉ mua được 2 đơn vị sản phẩm (hộp, gói...) trong 1 lần giao dịch; để đảm bảo không xuất hiện tình trạng mua quá nhiều dẫn đến tình trạng khan hiếm. 100% cơ sở kinh doanh của VinMart, VinMart+ cam kết không có hiện tượng găm hàng đẩy giá.
Mặc dù các nhà bán lẻ cam kết đáp ứng đủ nguồn cung nhưng tâm lý tích trữ hàng hóa dự trữ đã khiến một bộ phận người tiêu dùng đổ xô đi mua hàng hóa tại nhiều hệ thống bán lẻ tại Thủ đô bị quá tải vào một số thời điểm.
Đại diện các hệ thống siêu thị khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn mà chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung hàng hoá rất dồi dào và ổn định.