Trở về từ vương quốc Bỉ, sau khi kết thúc việc rà soát pháp lý Hiệp định thương mại tự do và thống nhất nội dung Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lập tức chỉ đạo về việc xây dựng dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối.
Căn cứ sự cần thiết và thực tiễn quản lý hiện nay, Bộ trưởng đề nghị Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Vụ Pháp chế "dừng" xây dựng dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối.
Trước đó, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định này dựa trên chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 12070/VPCP ngày 11.11.2017 của Văn phòng Chính phủ.
Tại Công văn này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 02 năm 2003 và Nghị định số 114 năm 2009 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, trên cơ sở đó đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau đó, Bộ Công Thương đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan về đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.
Đây là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.
Mục tiêu Bộ Công Thương đưa ra là khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan.
Dự thảo quy định này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhiều người cho rằng, quy định chỉ được khuyến mại 3 lần/năm nằm trong dự thảo không hợp lý, tạo ra nhiều giấy phép con, trong khi Bộ này đang quyết tâm cắt bỏ các điều kiện trong kinh doanh.