Vào sáng thứ Ba vừa qua, nhà bán lẻ này đã mở cửa siêu thị đầu tiên của mình tại Thượng Hải và nó nhanh chóng trở nên quá đông đến nỗi ban quản lý phải tạm thời đóng cửa để hạn chế lượng khách vào mua sắm.
"Siêu thị hiện đã bị tắc nghẽn vì có quá nhiều người. Nhằm cung cấp cho bạn trải nghiệm mua sắm tốt hơn, Costco sẽ tạm ngừng kinh doanh vào chiều nay. Xin đừng đến", Costco gửi tin nhắn thông báo cho các thành viên của mình ở Trung Quốc.
Cảnh sát đã được triển khai để khôi phục trật tự và quản lý ùn tắc giao thông xung quanh khu vực này, đồng thời kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh.
"Vì sự an toàn của bạn, chúng tôi hy vọng những công dân muốn đến Costco có thể duy trì được một thái độ hợp lý về tiêu dùng và tránh ra ngoài trong giờ cao điểm. Những người đã đến đó thì phải tuân theo mệnh lệnh", cảnh sát Thượng Hải thông báo trên tài khoản của họ trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Trong những bức ảnh được cảnh sát đăng tải kèm theo thông báo trên có cả một tấm biển do Costco đặt bên ngoài siêu thị, với nội dung: "Bãi đậu xe hiện đã chật cứng. Phải mất ba tiếng đồng hồ để chờ đợi".
Con đường phía trước
Mặc dù Costco đã có sự hiện diện trực tuyến tại Trung Quốc được 5 năm thông qua mối quan hệ đối tác với công ty thương mại điện tử Alibaba, nhưng siêu thị mới mở tại Thượng Hải này mới đánh dấu một khoản đầu tư đáng kể.
Chương trình thành viên hàng năm của Costco, hiện chiếm phần lớn lợi nhuận của họ, cũng rẻ hơn ở Trung Quốc khi chỉ có mức phí 299 nhân dân tệ (tương đương 42 USD) so với 60 USD ở Mỹ.
Tuy nhiên, dù đã tạo được tiếng vang ban đầu tại cửa hàng Thượng Hải, nhưng nhà bán lẻ Mỹ nãy sẽ phải chứng minh rằng họ có thể gắn bó lâu dài. Họ phải không chỉ "đấu" với các đối thủ toàn cầu như Walmart và các công ty lớn của Trung Quốc như Alibaba và JD.com, mà cả với những thay đổi kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc và ngành bán lẻ trực tuyến đang phát triển ở quốc gia này.
"Trung Quốc là 1 thị trường rất tiềm năng cho Costco, vì chiến lược mua sắm ‘đáng đồng tiền bát gạo’ của họ là rất hấp dẫn đối với nhiều người tiêu dùng trung lưu", Michelle Huang, một nhà phân tích tại Rabobank ở Thượng Hải cho biết.
"Costco có thể thành công trong dài hạn hay không phụ thuộc vào mức độ họ thích ứng với bối cảnh bán lẻ năng động của Trung Quốc như thế nào", bà nói thêm.
Sự rầm rộ của ngày đầu tiên
Dù sẽ phải đối mặt với những thách thức trong tương lai, nhưng các siêu thị Costco ở Trung Quốc có được sự hấp dẫn ban đầu đối với khách hàng nhờ được quảng cáo rầm rộ là rất thật.
Echo Zhou, một chuyên gia tài chính 28 tuổi ở Thượng Hải, cho biết cô đến lúc 9 giờ 10 phút sáng, nhưng phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới đến được bãi đậu xe và khi đặt chân vào siêu thị là khoảng 11 giờ sáng.
"Các con đường xung quanh bị tê liệt. Đường cao tốc gần đó cũng bị tắc nghẽn", cô nói.
"Khi tôi bước vào, có rất nhiều người già đã ‘quét’ sạch một số kệ".
Zhou cho biết cô quyết định rời đi mà không mua bất cứ thứ gì vì có rất ít chỗ trống cho người mua sắm bên trong siêu thị vào thời điểm đó, do bị ken đặc bởi rất đông người và các giỏ mua hàng lớn.
"Tôi sẽ ghé lại siêu thị này sau ba tháng nữa, thời điểm mà tôi đã trở thành thành viên", cô nói thêm.