Trong cao điểm mua sắm hàng thiết yếu tăng đột biến tại Tp.HCM khi làn sóng đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và đặc biệt nghiêm trọng, siêu thị Emart tạm đóng cửa khiến nhiều người dân địa phương bối rối.
Là một trong hai đại siêu thị lớn, Emart được xem điểm mua tập trung của người tiêu dùng tại quận Gò Vấp, giáp ranh quận 12, Bình Thạnh và Thủ Đức. Dù vậy, ghi nhận vào khoảng hơn 15h chiều 13/7, lực lượng bảo vệ vẫn chốt ở cửa ra vào siêu thị để thông báo cho người dân về việc tạm ngưng hoạt động, yêu cầu người dân quay lại sau. Theo đó, nhiều người dân bị bất ngờ và bối rối vì chưa mua được lương thực, thực phẩm cho gia đình.
"Vì sự an toàn của quý khách hàng, toàn thể nhân viên sẽ tiến hành lấy mẫu để kiểm tra. Chúng tôi sẽ cố gắng mở cửa trong thời gian sớm nhất", thông báo của Emart cho hay. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Emart cũng vừa có biến động lớn về thượng tầng, trong đó nhà đầu tư Hàn Quốc vừa chính thức chuyển nhượng lại mảng kinh doanh tại Việt Nam cho Ô tô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương.
Theo Tập đoàn Emart, quyết định bán hoạt động kinh doanh cửa hàng bán lẻ của mình tại Việt Nam sau nhiều lần gặp trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại. Tại Việt Nam, chuỗi siêu thị bán lẻ Emart ra mắt vào tháng 12/2015 và mở cửa hàng đầu tiên tại quận Gò Vấp, Tp.HCM. Dù Emart có lên kế hoạch xúc tiến các thủ tục xây dựng một đại siêu thị thứ hai tại đây nhưng mãi chưa thể thực hiện vì vấn đề chậm trễ trong phê duyệt các kế hoạch xây dựng.
Chính thức chia sẻ về thương vụ trên, tại ĐHĐCĐ 2021 diễn ra ngày 31/5 vừa qua, Chủ tịch Trần Bá Dương cho biết Emart có nền tảng kinh doanh rất tốt, đặc biệt là hiệu quả trên từng cửa hàng.
Emart còn lỗ luỹ kế 115 tỷ đồng nhưng kết quả kinh doanh những năm gần đây rất khả quan. Đơn cử năm 2020, chỉ với một cửa hàng, siêu thị này có doanh thu xấp xỉ 1.650 tỷ đồng và lãi 43 tỷ đồng. Như vậy, tiếp tục phương châm này thì theo đại diện Thaco ngành bán lẻ không quá khó khăn như mọi người vẫn nghĩ.
Ông Trần Bá Dương tại ĐHĐCĐ năm 2021: Emart có nền tảng kinh doanh rất tốt, đặc biệt là hiệu quả trên từng cửa hàng.
Dù vẫn còn lỗ luỹ kế, số liệu chúng tôi có được cho thấy tình hình kinh doanh của Emart khá ổn định. Vận hành chỉ một đại siêu thị diện tích 3ha tại 366 Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp, Emart đã nhanh chóng có lãi từ năm 2018, tức chỉ sau 2 năm ra mắt. Hiệu suất kinh doanh tính đến cuối năm 2020 đạt hơn 20%, hiểu nôm na với 100 đồng doanh thu thu về Công ty có lợi nhuận hơn 20 đồng.
Cụ thể, năm đầu vận hành, Emart đạt 807 tỷ doanh thu, lợi nhuận gộp vào mức 123 tỷ đồng, tương đương hiệu suất kinh doanh trên doanh thu là 15,3%. Khấu trừ chi phí, Emart lỗ ròng 86 tỷ trong năm 2016.
Sang năm 2017, Emart tiếp tục lỗ ròng 46 tỷ đồng. Dù vậy, bức tranh kinh doanh vẫn khá khả quan khi doanh thu tăng hơn 29% lên 1.045 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tương ứng tăng đến 42%, đạt hơn 174 tỷ đồng và biên lợi nhuận cải thiện lên xấp xỉ 17%.
Năm 2018, Emart chính thức có lãi ròng 19 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu tiếp tục đà tăng trưởng với 24%, lợi nhuận gộp tăng 34% lên 233 tỷ đồng, biên lợi nhuận đạt 18%.
Tính chung giai đoạn 2016-2020, doanh thu Emart đạt mức tăng trưởng bình quân 17%/năm, lợi nhuận gộp tăng mạnh với tốc độ 26%/năm. Cũng cần nhấn mạnh, 2 năm gần nhất 2019-2020 dù có lãi, nhưng Emart có sự suy giảm đáng kể về tăng trưởng: đây cũng là năm Giga Mall - mô hình bán lẻ kết hợp giữa trải nghiệm mua sắm và hoạt động giải trí (shoppertainment) chính thức ra mắt tại 240-242 Phạm Văn Đồng, do chủ đầu tư là Gia Khang Land (liên quan Bamboo Capital) làm chủ đầu tư.
Buột phải chia thị phần tại địa phương cho đối thủ mới trong cuộc chiến ngày càng khốc liệt, không thể phủ nhận Emart có một nền tảng kinh doanh khá vững chắc, đặc biệt là chiến lược thương mại ngày ra mắt.
Năm 2015, khi người dân Việt Nam quá khen với mô hình siêu thị mang phong cách truyền thống, đặc biệt hơn Emart chọn Gò Vấp (khu vực lúc bấy giờ dù dân đông song hầu hết người tiêu dùng chỉ mua sắm tại các chợ, cửa hàng…) là nơi bắt đầu, chuỗi siêu thị Hàn Quốc nhanh chóng thu hút với hình ảnh trẻ trung, bắt mắt. Hàng hoá tập trung vào nhóm thông dụng với giá cả phải chăng cũng là điểm cộng của Emart.
Đặc biệt, đánh mạnh vào phân khúc giới trẻ, sự kiện kết hợp giải trí và chụp hình lưu niệm tại siêu thị từng có lúc là trào lưu lúc bấy giờ trên mạng xã hội. Rất nhiều người dân không chỉ tại địa phương mà từ các quận khác cũng đổ về trải nghiệm thông qua truyền miệng.
Trào lưu chụp hình “tự sướng” và check-in tại Emart trước đó.
Như đã đề cập, từ năm 2019 khi Giga Mall gia nhập thị trường địa phương với trào lưu mới nổi, Emart cho thấy sự tăng trưởng chậm lại. Dù vẫn duy trì lãi, tuy nhiên hiệu suất so với đồng vốn bỏ ra khá thấp. Năm 2018, trong khi vốn chủ hơn 2.549 tỷ thì lãi ròng Emart thu về chỉ khoảng 19 tỷ đồng. Năm 2019, vốn tăng lên 2.584, song lãi thu về cũng chiếm đâu đó khoảng 1% với 35 tỷ đồng. Tương tự năm 2020, tỷ lệ thu hồi trên vốn tiếp tục dậm chân tại mức hơn 1%.
Tính đến cuối năm 2020, Emart có tổng tài sản là 2.823 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2019. Trong đó, tài sản vốn chủ yếu được đóng góp từ vốn với 2.628 tỷ đồng.
Trong khi hiệu suất thấp, Emart gặp khó khăn nhiều năm liền trong quá trình mở rộng có thể là lý do chính khiến Tập đoàn Hàn rời bỏ Việt Nam nói riêng, và một vài khu vực tại Đông Nam Á nói chung (ghi nhận từ tuyên bố của Emart). Dù rằng, miếng bánh bán lẻ tại các quốc gia này liên tục mở rộng trước nhiều yếu tố thuận lợi: kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng, cơ cấu dân số còn trẻ và xu hướng chuyển dịch tiêu dùng diễn ra khá nhanh…
Về phía Thaco, mua lại Emart theo chia sẻ của người đứng đầu sẽ là mảnh ghép cuối cho mô hình một điểm dừng, nhiều tiện ích. Theo kế hoạch, đến năm 2022, THISO (CTCP Thương mại và Dịch vụ Quốc tế của Thaco) sẽ đưa vào hoạt động thêm 3 đại siêu thị; lộ trình tới năm 2025 sẽ vận hành 11 đại siêu thị trên cả nước.
Riêng năm 2021, Thaco lên kế hoạch doanh thu hệ thống siêu thị Emart đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2020 và đóng góp khoảng 2,2% tổng doanh thu Tập đoàn.