Các siêu thị thường có những mánh khóe tinh vi đánh vào tâm lý khách hàng khiến họ bị kích thích mua sắm, dễ dẫn tới việc chi tiêu quá tay.
1. "Mua một, tặng một", hay giảm 50%
Các chương trình khuyến mại "mua một tặng một" hay giảm giá 50% thường khiến những người mua sắm phát cuồng. Tất cả đều cho rằng họ được thêm một sản phẩm miễn phí. Tuy nhiên, Crystal Paine - người sáng lập ra blog mua sắm MoneySavingMom.com cho biết, trong khi mọi người cố gắng mua hai sản phẩm để được giá sale, thực tế họ vẫn có thể mua một sản phẩm tương tự với giá chỉ như giá sale mà thôi.
2. Dụ khách "ăn thử"
Nhiều quầy hàng trong siêu thị cho phép khách hàng ăn thử sản phẩm của họ, như: xúc xích, bánh bao. Đây là cách để quầy hàng quảng bá sản phẩm, đồng thời giúp khách hàng được trải nghiệm một sản phẩm mới.
Nhưng sâu xa, việc cho phép khách hàng ăn thử sản phẩm là một cái bẫy tâm lý, nhằm khiến họ cảm thấy bị ràng buộc. Ví dụ, khi nhận được một món quà bất ngờ từ một người bạn, chúng ta thường đưa ra quyết định tặng lại cho họ một món quà.
Ở đây cũng vậy, sau khi được ăn miễn phí, khách hàng thường quyết định nên bỏ tiền ra mua, để tránh bị cảm giác "mang ơn".
3. Ghép đôi sản phẩm
Các siêu thị thường đặt các mặt hàng liên quan ở bên cạnh nhau, ví dụ như kem đánh răng đặt gần chỗ bàn chải, dầu tắm để gần dầu gội... Điều này có tác dụng như một sự gợi ý, nhắc nhở bạn về những thứ còn thiếu trong giỏ hàng của mình, dù ban đầu bạn không hề có ý định mua chúng.
Một số siêu thị còn có chiêu "tặng kèm sản phẩm", tức là bạn mua một sản phẩm, và được tặng một sản phẩm khác. Ví dụ mua kem đánh răng được tặng cốc, tặng bàn chải, mua 4 hộp nhựa được tặng một hộp.
Tuy nhiên có hai điều cần lưu ý ở chiêu này: thứ nhất là giá của sản phẩm được tặng kèm đã được tính vào giá chung của bộ sản phẩm, thứ hai là bạn sẽ không có cơ hội so sánh giá của sản phẩm được tặng kèm với các sản phẩm cùng loại nhưng thương hiệu khác, vì thông thường các sản phẩm đó lại sẽ được đặt ở một vị trí khác, xa chỗ bạn đang đứng mua.
4. Để giá sản phẩm kết thúc bằng số 9
Nghiên cứu chỉ ra rằng, khả năng khách hàng mua một sản phẩm có giá kết thúc bằng chữ số 9 là cao hơn hẳn so với thông thường. Ví vụ, một món hàng có giá 9,99 USD trông sẽ hợp lý hơn thay vì giá 10 USD. Bởi lẽ dù chỉ chênh nhau 1 cent, trong mắt người tiêu dùng nó cũng đã nằm ở khung giá khác.
5. "Thổi" quá công dụng của sản phẩm
Thông thường, trên bao bì sản phẩm cũng như trên các quảng cáo sản phẩm, đôi khi chúng ta thấy những thông điệp tuyên bố một sản phẩm có thể giải quyết mọi vấn đề.
Ví dụ, trên bao bì của một loại kem cho biết nó làm chậm sự lão hóa nhưng công dụng thực sự của nó chỉ đơn giản để giữ ẩm hoặc làm dịu da.
6. Mua càng nhiều càng được lợi
Các siêu thị luôn quảng cáo rằng nếu bạn mua tăng số lượng sản phẩm, mức giá sẽ ưu đãi hơn. Ví dụ bạn mua 10 gói bột giặt, giá sẽ ưu đãi hơn mua một gói lẻ. Việc này là một chiêu kích thích mua sắm, khiến bạn tham rẻ mà mua nhiều trong khi không dành thời gian so sánh giá cả. Trên thực tế, theo Crystal Paine - người sáng lập ra blog mua sắm MoneySavingMom.com, có nhiều sản phẩm cùng loại giá có thể ưu đãi hơn thế nhiều.
7. Quà miễn phí nhưng bạn vẫn phải trả tiền
Mỗi một lần nhận được quà miễn phí vì đã bỏ ra một khoản tiền nhất định (thường là những món quà dành cho trẻ nhỏ), là một lần bạn rơi vào một chiếc bẫy marketing đơn giản do các nhà bán lẻ tạo ra. Giờ đây, khi lũ trẻ muốn sưu tập cả bộ quà tặng thì bạn phải lui lại chính xác cửa hàng hoặc siêu thị trước đó để tiêu thêm tiền rồi mới lấy được quà.
8. Thẻ quà tặng
Một số siêu thị có chương trình tặng thẻ cho người mua khi họ đạt đến mức mua sắm nhất định nào đó. Điều này lôi kéo người mua mua sắm nhiều hơn để có được một tấm voucher. Tuy nhiên, việc này không phải lúc nào cũng hợp lý, nếu bạn chi tiêu cho những món đồ mà bạn thực chất không cần đến, chỉ để đủ số tiền định mức. Thực tế là số tiền bạn bỏ ra để mua món đồ đó, sau đó bỏ phí, sẽ còn lớn hơn giá trị tấm voucher đó.
Ví dụ đơn giản như bạn phải mua đủ một triệu đồng để được voucher 100 nghìn, trong khi ban đầu bạn chỉ có ý định mua 800 nghìn đồng. Thế là bạn đã phải chọn bừa một chiếc áo 200 nghìn để tổng giá trị hóa đơn lên đến một triệu. Chiếc áo sau đó trở nên không phù hợp, và bạn bỏ xó nó, lãng phí 200 nghìn, để đổi lấy tờ voucher 100 nghìn đồng cho lần mua sắm sau.
Tương tự, một chiêu thức khác cũng được siêu thị sử dụng là phát thẻ khách hàng. Chiếc thẻ này hẳn nhiên có một chút ưu đãi (ví dụ tích điểm để được giảm giá), nhưng đó là cách để họ giữ chân khách hàng quay lại nhiều lần, đồng thời theo dõi thói quen chi tiêu của bạn và tìm hiểu cách tối đa hóa lợi nhuận.
9. Tạo ra "kẻ thù chung" giữa người bán và người mua
Trong cuộc sống, chúng ta có thể kết hợp với một người ở phe đối lập để chống lại một kẻ thù chung, bởi "kẻ thù của kẻ thù là bạn".
Và triết lý này được các nhân viên marketing áp dụng một cách rất hiệu quả trong việc bán sản phẩm. Các nhân viên marketing sẽ tìm ra một "kẻ thù chung" giữa họ và người tiêu dùng và khiến khách hàng chọn sản phẩm của họ vì tin rằng nó tốt hơn.
Chẳng hạn, biết nhiều khách hàng không thích ăn đồ ngọt hay ăn kiêng, các sản phẩm sẽ được gán mác "ít năng lượng" nhưng thực chất chúng vẫn nhiều đường. Trong trường hợp này, lượng calo tăng thêm là kẻ thù chung của nhân viên tiếp thị và khách hàng. Nhiệm vụ của nhân viên marketing là khiến khách hàng tin sản phẩm của hãng mình có lượng calo thấp hơn các sản phẩm khác.
(Theo Gia đình & Xã hội)