Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam lập kỷ lục 7,2 tỷ USD. Đây là bước nhảy vọt đầy ấn tượng, đánh dấu cột mốc quan trọng trên hành trình hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai gần. Trong số các mặt hàng, chuối đang là sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của ngành rau quả Việt Nam.
Cụ thể, xuất khẩu chuối của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 380 triệu USD, tăng 20% so với năm 2023. Chuối có kim ngạch lớn thứ 4 (chỉ sau sầu riêng, thanh long và dừa), chiếm 5,32% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam trong năm 2024.
Ở nước ta, chuối chiếm hơn 19% tổng diện tích cây ăn trái của Việt Nam hàng năm, có khoảng 155 nghìn ha trồng chuối với sản lượng gần 2,5 triệu tấn một năm. Được mệnh danh là thủ phủ trồng chuối xuất khẩu cả nước, chuối là cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai, chiếm hơn 70% diện tích chuối của vùng Đông Nam Bộ.
Tại Nhật Bản, chuối nằm trong số trái cây nhiệt đới được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Theo dữ liệu từ trang Zuifru của Nhật Bản, nước này nhập khẩu tổng cộng 33.427 tấn chuối từ Việt Nam. Điều này giúp nước ta vượt qua Guatemala trở thành nhà cung cấp chuối lớn thứ 4 vào một trong những thị trường khó tính hàng đầu châu Á.
Hiện, chuối của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản được hưởng mức thuế ưu đãi, có mức thuế suất theo Hiệp định AJCEP là 0% từ ngày 01/4/2023, trước đó là 3%. Ngoài lợi thế về thuế quan, theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, ngoài lợi thế về thuế quan, các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị ở Nhật Bản mong muốn nhập khẩu chuối từ Việt Nam để thay thế chuối Philippines vì người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá chuối Việt Nam có chất lượng, thơm ngon.
Mới đây, ANA Food – một tập đoàn lớn của Nhật Bản – đang bao tiêu 1.500 ha chuối của Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức . Khảo sát trên trang ANAmall, hiện một quả chuối của HAGL tại hệ thống siêu thị được bán với giá 836,9 yên, tương đương 140.000 đồng/quả.
Được biết, Amami là loại chuối được HAGL trồng ở nông trại Paksong trên cao nguyên Bolaven - Lào. ANA Foods gọi đây là loại chuối “siêu cao nguyên” vì được trồng ở độ cao khoảng 900 mét trở lên so với mặt nước biển. Điều kiện khí hậu đặc biệt tại đây, với nhiệt độ trung bình ban ngày khoảng 25°C và ban đêm khoảng 15°C, giúp chuối phát triển chậm hơn so với chuối cao nguyên thông thường, từ đó tích lũy nhiều tinh bột và có vị ngọt tự nhiên.
Tập đoàn của bầu Đức đang là một trong những tập đoàn nông nghiệp sở hữu quỹ đất lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn hiện đang canh tác hơn 7.000 ha chuối tại Việt Nam và Lào, với kế hoạch mở rộng lên 10.000 ha trong năm nay. Chuối HAGL đã có mặt trên kệ hàng của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Nhật Bản là một thị trường khó tính nên chuối Việt Nam để xuất khẩu được vào đây phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe, từ thổ nhưỡng trồng chuối đến quy trình chọn giống, chăm bón đến thu hoạch, lựa chọn chuối (quả đều kích cỡ) đóng gói bao bì, vệ sinh thực phẩm, cách xếp trong container để chuối không bị va chạm, trầy xước…
Cũng chính vì thị trường trái cây Nhật Bản khó tính nhất thế giới nên nếu chuối Việt Nam xuất ổn định được ở thị trường này thì có thể đi đến bất cứ nơi nào.