Cụ thể, 5 tổng công ty Bộ Giao thông Vận tải chuyển giao về Uỷ ban quản lý vốn nhà nước gồm: Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần; Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty TNHH Một thành viên và Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam - Công ty TNHH Một thành viên.
Tổng vốn điều lệ của 5 đơn vị kể trên là khoảng 49.000 tỷ đồng, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là hơn 46.000 tỷ đồng.
Nhấn mạnh đây là các đơn vị máu thịt của ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói: "Đây sẽ là một sự thay đổi lớn, qua đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện nay. Các tổng công ty nhà nước sẽ hoạt động tốt hơn, sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất".
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dù có chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn thì kết quả hoạt động cũng như các tồn tại của các đơn vị liên quan đến chuyên môn, lĩnh vực vẫn sẽ có một phần trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải.
Do đó, lãnh đạo Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước giải quyết căn bản các vấn đề còn tồn tại hiện nay của các đơn vị này. Đồng thời, đồng hành để 5 tổng công ty hoạt động bình thường, thậm chí tốt hơn.
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước và Bộ Giao thông Vận tải. Phó thủ tướng Chính phủ khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ bởi chủ trương này sẽ góp phần hỗ trợ các bộ, ngành tập trung vào công tác quản lý nhà nước.
"Các đơn vị được bàn giao về một cơ quan có chuyên môn sâu hơn, chuyên nghiệp hơn sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Việc chuyển giao các đơn vị không hề làm suy giảm mà còn là động lực khiến các đơn vị làm tốt hơn nhiệm vụ của mình nâng cao hiệu quả hoạt động", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 10/11, 6 tập đoàn, tổng công ty gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng được Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước được thành lập do ông Nguyễn Hoàng Anh, làm chủ tịch. Đây là đơn vị đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Đến cuối tháng 9/2018, Ủy ban chính thức hoạt động với 19 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước sở hữu được "gom về". Ước tính, tổng tài sản của 19 tập đoàn, tổng công này có giá trị lên tới 2,3 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 46% GDP cả nước năm 2017.