Thủ tướng mới đây đã ký quyết định thành lập Tổ công tác thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tổ có 11 thành viên do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm tổ trưởng. Ông Nguyễn Hoàng Anh, cựu Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng làm Chủ tịch ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại buổi họp đầu tiên sau khi thành lập, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải thành lập Ủy ban ngay trong quý I/2018.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam việc thành lập một cơ quan đứng ra làm đại diện vốn chủ sở hữu sẽ tách được doanh nghiệp khỏi chế độ bộ chủ quản.
“Như vậy tránh được câu chuyện 'vừa đá bóng vừa thổi còi’, khi cơ quan chủ quản vừa thực hiện quản lý Nhà nước vừa có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp dẫn đến nhiều quyết định chưa đủ công tâm”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, theo ông Thành, câu hỏi quan trọng đặt ra đó là ai về, ai không. Cũng như tiến trình cổ phần hóa DNNN, ông Thành cho rằng để việc tập trung quản lý vốn Nhà nước về một cơ quan đại diện duy nhất cần có danh mục và lộ trình rõ ràng, để những doanh nghiệp nào phải về thì bắt buộc sẽ phải về.
Bên cạnh đó ông Thành cũng đặt ra vấn đề, "siêu" uỷ ban này sẽ là cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp. Điều ông Thành quan ngại đó là uỷ ban này sẽ vẫn tồn tại dưới hình thiwcs tổ chức hành chính.
"Anh vẫn cồng kềnh, vẫn mang tính hành chính như trước đây nhưng mục tiêu anh ngồi trong HĐQT để thực hiện vai trò giám sát thì có hiệu quả hay không?", ông Thành đặt vấn đề.
Ông Thành cũng cho rằng vấn đề nhận sự cũng cần được chú trọng, phải tập hợp được các chuyên gia về đầu tư, quản trị, được trao đủ thẩm quyền nhưng đồng thời cũng có đủ năng lực quản lý thì mới có thể vận hành một “siêu” Ủy ban quản lý khối lượng vốn khổng lồ như vậy.
"Đồng ý là Uỷ ban trực thuộc Chính phủ như yếu tố chính trị là bao nhiêu, yếu tố kỹ trị là bao nhiêu. Tôi cho rằng, yếu tố kỹ trị nhiều hơn chính trị. Như vậy mới có sự chuyển đổi thực chất", ông Thành nêu quan điểm.
Mới đây trong khuôn khổ tọa đàm kinh tế vĩ mô 2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) (hôm 16/1), vấn đề này đã được các chuyên gia kinh tế mang ra thảo luận.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng đồng tình cho rằng vịêc tách các bộ làm chính sách ra khỏi các doanh nghiệp là điều cần thiết, tránh sự xung đột về lợi ích nhóm.
Đề cập đến việc làm thế nào để quản lý hiệu quả Ủy ban này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng thành công của tổ chức được quyết định bởi những người làm ở đó.
“Người quản lý phải là người có kỹ trị chứ không chỉ là chính trị. Nếu chỉ am hiểu chính trị mà không am hiểu thị trường, không nắm rõ các nguyên tắc quản lý cơ bản thì không thể làm tốt được. Hiện nay ở nước ta, việc đảo lộn hai vị trí ở một số đơn vị khiến tôi không yên tâm”, bà Lan nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại đặt vấn đề: khi các DNNN trở về dưới sự quản lý tài chính của Ủy ban thì liệu các bộ có còn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước nữa không, nếu có thì thực hiện như thế nào, phối hợp ra sao để vừa bảo đảm tính hiệu quả lại không gây ra những mâu thuẫn lợi ích.