Trong Dự thảo Nghị định mới nhất quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chỉ có 20 tập đoàn, tổng công ty về với Ủy ban thay vì 21 doanh nghiệp (DN) như đề xuất cách đây vài tháng.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cơ quan trực tiếp xây dựng và soạn thảo nghị định, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ làm đại diện chủ sở hữu 20 tập đoàn, tổng công ty với tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước trên 821.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản trên 1,5 triệu tỷ đồng (tương đương 50% giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước và tổng giá trị tài sản của khu vực doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).
"Siêu" Ủy ban quản lý quản lý hàng triệu tỷ đồng vốn Nhà nước (Ảnh minh họa: KT)
Như vậy, so với trước đây, danh sách các doanh nghiệp được giao về Ủy ban đã giảm đi 1 doanh nghiệp, đó là Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long. Ngoài ra, tổng giá trị tài sản của 20 doanh nghiệp này, sau quá trình rà soát, chỉ là khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với con số ước tính trước đó.
Dự kiến, nếu Nghị định được thông qua, quá trình chuyển giao doanh nghiệp sẽ hoàn tất chậm nhất là vào cuối năm 2018. Để tránh xảy ra tình trạng chậm chuyển giao về Tổng Công ty đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) như trước kia, Nghị định quy định rõ chậm nhất trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, các bộ có liên quan và Ủy ban hoàn thành ký Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Một vấn đề mấu chốt có nhiều ý kiến băn khoăn là với cơ cấu tổ chức quản lý theo ngành dọc của Ủy ban với từng ngành, lĩnh vực thì mối quan hệ giữa Ủy ban với các Bộ và cơ quan ngang Bộ rất có thể lại dẫn tới tình trạng chồng chéo nhiều tầng nấc quản lý. Để giải quyết lấn cấn này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đại diện Ban soạn thảo Nghị định cho biết, dự thảo Nghị định mới được thiết kế theo nguyên tắc Uỷ ban chỉ thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của một cơ quan đại diện chủ sở hữu theo đúng quy định tại Luật số 69/2014/QH13, còn các Bộ quản lý ngành tiếp tục chủ trì các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với DN theo ngành, lĩnh vực được phân công.
“Các bộ, ngành thường rất lo lắng nếu như DN ngành mình quản lý bị thua lỗ, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước của họ. Tuy nhiên, với sự ra đời của Ủy ban, DNNN sẽ không còn là DN của các bộ, ngành, mà thuộc về một cơ quan trực thuộc Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan nhà nước sẽ chỉ thực hiện quản lý DN thông qua chính sách chứ không phải chủ sở hữu như trước đây”, ông Hiếu cho biết thêm.
Lấy ví dụ cụ thể, ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho hay, hiện nay, Bộ Công Thương có nhiệm vụ quản lý nhà nước nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn hệ thống điện; đang thực hiện việc phê duyệt kế hoạch huy động các nguồn điện của Tập đoàn Điện lực quốc gia (EVN). Vì vậy, nếu chuyển EVN về Ủy ban thì phải quy định về cơ chế phối hợp, xử lý các vấn đề liên quan đến nội dung này.
“Trong trường hợp của Bộ Công Thương và EVN nêu trên, Luật Điện lực hiện hành và văn bản hướng dẫn đã quy định rõ thẩm quyền của Bộ Công Thương đối với vấn đề quy hoạch phát triển điện lực, quản lý nhu cầu điện, mua bán điện, giá điện, điều tiết hoạt động điện lực... Các thẩm quyền này thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, không thuộc phạm vi chức năng chủ sở hữu, vì vậy, Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì thực hiện”, ông Trung chỉ rõ.
Đối với những doanh nghiệp thua lỗ sau khi chuyển giao về Uỷ ban, ông Phan Đức Hiếu khẳng định, sẽ không có chuyện “đánh bùn sang ao”, nghĩa là không có chuyện trách nhiệm khiến doanh nghiệp thua lỗ trước đây cũng chấm dứt.
“Phía Uỷ ban chỉ có trách nhiệm nhận bàn giao phần thua lỗ này và sau đó, với tư cách đại diện chủ sở hữu, sẽ có giải pháp để giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình cảnh khó khăn, dần phục hồi”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Về vấn đề nhân sự của “siêu Ủy ban”, ông Hiếu cho biết, mô hình Ủy ban được thiết kế với một Chủ tịch và không quá 4 Phó Chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Uỷ ban lần này tinh gọn hơn rất nhiều với 9 đơn vị trực thuộc, ít hơn rất nhiều so với 11 đơn vị trực thuộc được đề xuất trước đây. Đó là Vụ Nông nghiệp; Vụ Công nghiệp; Vụ Năng lượng; Vụ Công nghệ và hạ tầng; Vụ Tổng hợp; Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng và Trung tâm thông tin./.