Ngày 30/9 tới đây, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước sẽ chính thức ra mắt sau hơn nửa năm khai sinh và 2 năm từ khi xuất hiện lần đầu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. “Siêu ủy ban” này sẽ chịu trách nhiệm quản lý vốn tại 19 đơn vị gồm 7 tập đoàn, 12 tổng công ty, trong đó có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với tổng số vốn ước tính khoảng 2,2 triệu tỷ đồng.
Sự ra đời của "siêu ủy ban" được kỳ vọng sẽ thống nhất tư cách đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đúng nghĩa như thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp.
13 năm trước, đây cũng là ý định khi SCIC được thành lập. Mục đích của SCIC lúc đó là tách bạch chức năng quản lý và sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp do các Bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh và thành phố chuyển giao. Con đường vạch ra cho SCIC dựa trên sự thành công của những mô hình tương tự ở nhiều nước như Tập đoàn Temasek của Singapore hay Khazanah của Malaysia…
Tuy nhiên, đến nay khoảng cách giữa “Temasek Việt Nam” và Temasek Singapore vẫn còn rất xa.
Xét trên mặt tiếp nhận vốn, sau hơn 13 năm, chủ thể vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước vẫn tiếp tục phân mảnh. Nhiều đơn vị vẫn thuộc quản lý của Bộ và UBND các tỉnh, thành phố, trong đó có các tập đoàn lớn quy mô vốn chục ngàn tỷ đồng.
Nghị quyết Chính phủ về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng đã yêu cầu 6 bộ và 16 địa phương chuyển giao 62 doanh nghiệp (DN) với tổng số vốn nhà nước trên 11.200 tỉ đồng về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, SCIC mới chỉ tiếp nhận 25 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 862 tỉ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.068 tỷ đồng.
Trong buổi trao đổi vào tháng 8, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC từng cho biết, công ty rất tích cực trong hoạt động tiếp nhận chuyển giao, thành lập nhiều đoàn công tác làm việc nhưng kết quả vẫn thấp. Nhiều bộ ngành, địa phương không muốn triển khai thực hiện bàn giao về cho SCIC.
Xét trên mặt đầu tư và kinh doanh vốn, dấu ấn của SCIC chưa rõ nét. Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) – đơn vị đầu tư chủ chốt của SCIC xuất hiện với tần suất thấp trong các lĩnh vực và khá thận trọng rót vốn. Phần lớn tiền của SCIC được gửi ngân hàng và mua trái phiếu.
Theo báo cáo tài chính nửa đầu 2018, tổng tài sản của SCIC đạt 41.749 tỷ đồng. Trong số hơn 40.337 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn và dài hạn, 62% giá trị được SCIC gửi tại ngân hàng và mua trái phiếu (hơn 6.000 tỷ đồng).
Giá trị các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp bằng nguồn vốn của SCIC được ghi nhận theo phương pháp vốn chủ sở hữu chỉ hơn 541 tỷ đồng, đầu tư bất động sản 31,2 tỷ đồng.
Phần lớn giá trị còn lại là các khoản đầu tư góp vốn dài hạn do SCIC tiếp nhận bàn giao đại diện chủ sở hữu Nhà nước hơn 12.980 tỷ đồng.
2 năm gần đây, SCIC nổi bật lên với vai trò “người thoái vốn” tại các doanh nghiệp với mục tiêu tối đa hóa giá trị hơn là một “nhà đầu tư”.
Kỳ vọng và thách thức với “Siêu ủy ban”
Với việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, nhiệm vụ thống nhất đầu mối đại diện vốn tại doanh nghiệp được lật lại. Từ con số 30 tập đoàn và tổng công ty theo dự thảo nghị định ban đầu, lượng doanh nghiệp về Siêu ủy ban đã giảm xuống 19. Đây đều là các đơn vị lớn của quốc gia với quy mô vốn chục ngàn tỷ đồng, vượt trên SCIC.
Khi đề xuất thành lập Ủy ban quản lý vốn được nêu ra, tiến sĩ Lê Đăng Doanh từng cho rằng, “siêu ủy ban” thành lập sẽ giải phóng các bộ, ngành khỏi nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp nhà nước và đại diện chủ sở hữu, khắc phục các biểu hiện của “lợi ích nhóm”.
Mặt khác với SCIC, sau khi về trực thuộc ủy ban, sẽ có nhiệm vụ cấp nguồn vốn mồi cho 18 tập đoàn, tổng công ty còn lại. Đồng thời, SCIC sẽ trở thành công cụ của ủy ban, tiếp tục quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn Nhà nước.
"SCIC sẽ giúp ủy ban không phải lo thêm việc thoái vốn doanh nghiệp nhỏ, chỉ phải tập trung quản lý 19 tập đoàn lớn, làm sao nguồn lực không chồng chéo, phát huy được vai trò của SCIC", ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định.
Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng lớn nhất là tập trung đầu mồi quản lý vốn tại 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn về một đơn vị duy nhất, vẫn còn những nghi ngại xung quanh vai trò và năng lực hoạt động của "siêu ủy ban".
Một trong những ý kiến được đặt ra là tính hiệu quả trong việc quản lý đồng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Thực tế, “Siêu ủy ban” chỉ chịu trách nhiệm tại 19 đơn vị lớn, các doanh nghiệp vừa nhỏ vẫn sẽ được đưa về SCIC và giao quản lý. SCIC sẽ đứng ở vai trò độc lập và chịu trách nhiệm về các đơn vị này trước ủy ban. Các doanh nghiệp quốc phòng an ninh vẫn do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước quản lý…
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng lo ngại về việc chuyển nhiệm vụ hành chính từ nhiều bộ về một “siêu Ủy ban” hành chính khác. Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, "siêu ủy ban" phải tập trung vào việc quản lý được nguồn vốn, không để xảy ra tình trạng vừa "đá bóng vừa thổi còi" như một số bộ, ngành trước đây. Việc giao quyền cho ủy ban theo ông Bích Hồ là quan trọng, nhưng khi có quyền thì ủy ban phải thực hiện cho tốt, làm đúng, rõ ràng minh bạch, uy tín, thì mới có uy chứ không chỉ có quyền. Điều này không dễ thực hiện trong khuôn khổ hệ thống quyền lực và các mối quan hệ đan xen rất phức tạp hiện nay.
Tổng kết lại, chủ trương thành lập một ủy ban về quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, việc vận hành và hiệu quả mang lại như thế nào vẫn cần căn cứ trên phương thức triển khai thực tế. Kết quả cần phải chờ thời gian chứng minh.