Trên thực tế, Singapore giữ vị trí thứ hai chỉ sau Qatar về việc có lương thực giá cả phải chăng nhất thế giới. Trong khi Việt Nam đứng thứ 48 trong bảng xếp hạng. Tại sao lại có xếp hạng như vậy?
Bởi lẽ, việc đo lường mức độ đắt, rẻ trong bảng chỉ số này phụ thuộc vào khả năng chi trả của người dân cho lương thực, thực phẩm tại quốc gia đó. Xếp hạng càng cao thì tức là khả năng chi trả cho lương thực, thực phẩm của người dân càng cao.
Dựa trên khả năng chi trả, Qatar đứng đầu bảng xếp hạng so với các quốc gia khác với 98,9, Singapore đứng thứ hai ở 95,4, Ireland ở 90,5, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ở 89,8 và Kuwait ở 88,1.
Về khả năng chi trả cho lương thực, Singapore vượt xa bất kỳ quốc gia ASEAN nào khác. Sau Singapore đến Malaysia nhưng chỉ ở vị trí thứ 28. Thái Lan đứng thứ 42 và Việt Nam đứng thứ 48.
Báo cáo của EIU cho thấy trong khi giá lương thực toàn cầu tăng đều đặn trong năm năm qua, người Singapore có thu nhập trung bình lên tới 101.000 USD/năm (gấp khoảng 5 lần so với mức trung bình toàn cầu là 23.000 USD) và hoàn toàn có đủ khả năng mua lương thực, thực phẩm. Đồng thời, toàn bộ dân số Singapore xếp trên mức nghèo khổ toàn cầu (thu nhập dưới 3,20 USD mỗi ngày), không bị thiếu dinh dưỡng hoặc thiếu lương thực.
Như vậy có thể dễ dàng hiểu được tại sao lương thực, thực phẩm ở Singapore nhìn chung lại được cho là có giá phải chăng với người dân hơn Việt Nam.
Về chỉ số An ninh lương thực nói chung, Việt Nam đứng thứ 54 trên thế giới với 64,1 điểm (tăng 0,5 điểm so với năm 2018), và đứng thứ 23 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở khu vực Đông Nam Á đứng sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Báo cáo đánh giá, điểm mạnh về an ninh lương thực của Việt Nam là có các chương trình mạng lưới an toàn thực phẩm, tiếp cận tài chính của nông dân tốt, chi phí thực phẩm trung bình không biến động nhiều,...
Báo cáo cũng cho thấy, chất lượng và mức độ an toàn lương thực thực phẩm của Việt Nam đứng thứ 77 trên thế giới, ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục đứng sau 3 quốc gia Singapore, Malaysia và Thái Lan.