Uber đã đồng ý rời khỏi thị trường Đông Nam Á, nhường sân chơi lại cho đối thủ Grab. Trong công bố từ Grab, hãng cho biết đã mua lại mảng kinh doanh của Uber ở Đông Nam Á, đổi lại Uber sẽ có 27,5% cổ phần tại Grab.
Uber sẽ có 27,5% cổ phần sau sáp nhập vào Grab - Ảnh: AP/FT |
Theo tờ Financial Times, giới chức Singapore đang lo ngại vụ việc sáp nhập giữa Uber và Grab có thể vi phạm luật cạnh tranh.
Theo đó, Uỷ ban Cạnh tranh Singapore hôm thứ Sáu cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về thương vụ này và có "lý do hợp lý" để nghi ngờ hành vi cạnh tranh đã bị vi phạm.
Cơ quan giám sát cho biết vụ việc có thể dẫn tới "giảm cạnh tranh đáng kể" trong thị trường xe chung của Singapore.
Trước khi rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á, Uber từng bán mảng kinh doanh của công ty tại Trung Quốc và Nga. Việc này có thể là tiền đề cho một cuộc rút lui sắp tới tại Ấn Độ, tờ Financial Times nêu nhận định của các chuyên gia ngân hàng.
Cơ quan giám sát cạnh tranh của Singapore cho biết họ đã đề xuất các biện pháp tạm thời để đảm bảo thị trường vẫn cạnh tranh trong khi tiến hành điều tra. Bao gồm yêu cầu Uber và Grab duy trì các chính sách định giá trước giao dịch của họ cho khách hàng.
Singapore cũng yêu cầu Grab và Uber không chia sẻ cho nhau các thông tin mật liên quan đến khách hàng, tài xế và giá cả.
Singapore có một hệ thống thông báo tự nguyện sáp nhập, nơi các công ty có thể thông báo chính thức cho cơ quan giám sát nếu họ quan ngại rằng vụ sáp nhập vi phạm các quy tắc cạnh tranh. Quan chức của cơ quan giám sát cho rằng mặc dù Grab có nói ý định nộp một thông báo sáp nhập chính thức nhưng đến hôm qua 30/3 vẫn chưa nhận được thông báo từ các bên.
Sự rút lui của Uber khỏi Đông Nam Á là một trong các nỗ lực nhằm tập trung vào Mỹ và các thị trường quan trọng của hãng vì quý 4 mới đây công ty tiếp tục lỗ 1,1 tỷ USD. Công ty này cũng từng dính nhiều scandal từ năm ngoái, khiến cựu CEO và nhà đồng sáng lập Travis Kalanick phải ra đi.
Việc rời khỏi thị trường khu vực này cũng phản ánh ảnh hưởng từ Softbank, nhà đầu tư lớn nhất của Uber, Grab, và công ty gọi xe chung Ola tại Ấn Độ.
Công ty công nghệ Nhật đã đầu tư 9,3 tỷ USD vào Uber hồi tháng 12 năm ngoái. Rajeev Misra, một giám đốc của Softbank tham gia vào Ban giám đốc Uber, nói với Financial Times hồi đầu năm nay rằng Softbank đã thúc ép Uber tập trung các thị trường trọng điểm hơn là mở rộng toàn cầu.
Uber cũng được cho là đang trong giai đoạn tiếp cận với Ola (Ấn Độ) để sáp nhập vào công ty này, trong bối cảnh Softbank đang gây áp lực. Việc sáp nhập này sẽ giảm đi sự đối đầu gay gắt giữa hai công ty đều có cổ phần lớn của Softbank.
Trong vòng hai năm trở lại đây, Uber đã lần lượt bán mảng kinh doanh của họ cho các đối thủ như Didi Chuxing (Trung Quốc) và Yendex (Nga).
Lim Kell Jay, Giám đốc Grab Singapore, trả lời Financial Times: “Cải thiện dịch vụ cho hành khách và tài xế luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, chúng tôi kêu gọi chính phủ cho phép chúng tôi tự do cạnh tranh và bổ sung vào thị trường taxi rộng lớn. Để giải quyết mối quan ngại của người tiêu dùng, chúng tôi đã tự nguyện cam kết duy trì cấu trúc giá của chúng tôi và sẽ không tăng giá cơ bản".