Đánh vào tâm lý sính hàng Việt xuất khẩu của người tiêu dùng, các shop quần áo “Made in Việt Nam” mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên, không phải tất cả các cửa hàng đều bán quần áo Việt Nam xuất khẩu “xịn”.
"Ma trận hàng xuất khẩu 'xịn'
Các sản phẩm hàng hiệu, hàng do Việt Nam gia công cho hãng thời trang nổi tiếng thế giới được phân phối cho các thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu còn gọi là hàng xuất khẩu. Các mặt hàng phổ biến là quần áo, giày dép, túi xách..., được cácnhãn hiệu thời trang lớn trên thế giới như Lascote, Mango, Zara, Adidas...đặt gia công sản xuất tại Việt Nam sau đó xuất khẩu đi nước ngoài.
Đây là sản phẩm chất lượng cao do các nhãn hàng yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với các nhà máy gia công. Cụ thể, các sản phẩm được sản xuất từ hệ thống máy móc hiện đại, trình độ nhân công cao, nguyên liệu, phụ kiện để tạo thành sản phẩm được nhập từ hãng, đồng thời sản phẩm được kiểm định liên tục trước, trong và sau quá trình sản xuất.
Thông thường các sản phẩm này chỉ để xuất khẩu, muốn bán ở trong nước phải nhập khẩu ngược trở lại. Đối với các vật liệu, sản phẩm còn dư, lỗi trong quá trình sản xuất, nhà máy phải xuất đi trả lại cho hãng hoặc tiêu hủy hoàn toàn theo quy định. Tuy nhiên, do nhiều lý do, hàng hiệu xuất khẩu vẫn được bày bán tại thị trường trong nước với tên thường gọi là hàng hiệu xuất dư.
Nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng thế giới “lòe” người tiêu dùng là hàng xuất khẩu. Ảnh minh họa |
Thực tế theo các báo cáo của Bộ Công Thương, hàng nhái, hàng giả trong lĩnh vực thời trang ở nước ta phổ biến đến mức người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng Adidas, Nike, Zara, Mango, Lacoste, Levis... bày bán nhan nhản ở các chợ đêm, chợ truyền thống, các trung tâm thương mại, chợ online với mức giá siêu rẻ.
Đáng chú ý nhất phải nói tới chính là hành vi rao bán hàng xuất khẩu “xịn” nhưng theo tiết lộ của một số tiểu thương thì hầu hết đây đều là hàng giả, hàng nhái.
Đơn cử, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, lực lượng QLTT cả nước phát hiện, xử lý trên 23.935 vụ vi phạm kinh doanh hàng giả, hàng lậu, thu nộp ngân sách nhà nước trên 125 tỷ đồng. Mới đây, lực lượng QLTT tiếp tục kiểm tra, xử lý nhiều ổ nhóm, tụ điểm hàng giả như tại TP.Hồ Chí Minh kiểm tra 3 lần tại chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại Sài Gòn Square chuyên bán hàng lậu, thậm chí hàng giả.
Tại Hà Nội, lực lượng QLTT cũng kiểm tra loạt cửa hàng kinh doanh tại 7 điểm thuộc 2 chợ Phú Điền và Sơn Long, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm.
Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện nhiều địa điểm kinh doanh các sản phẩm hàng hóa giả mạo hàng hiệu nhập lậu như quần áo, phụ kiện thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Chưa hết, trong đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh tại khu vực phố cổ - nơi buôn bán sầm uất bậc nhất Hà Nội, tại 7 cơ sở kinh doanh, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành thu giữ 2.374 sản phẩmhàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Trong số này có nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ ở Việt Nam.
Hàng xuất khẩu "xịn" không có cơ hội bán lẻ
Liên quan tới hàng xuất khẩu, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam khẳng định, đối với hàng xuất khẩu, không có khách hàng nào, đơn vị nào cho phép thừa 1 cái. Nếu có thừa dù chỉ 1 sản phẩm, họ cũng thu lại. Thế nên, việc rao bán hàng xuất khẩu “xịn” trên thị trường là sự lừa dối người tiêu dùng.
Ông Giang cũng cho biết, thực tế nhiều chủ cơ sở kinh doanh mặt hàngthời trang không chỉ nhập hàng từ Trung Quốc về bán mà các cửa hàng còn nhập ngay từ những nơi may gia công trong nước. Người tiêu dùng khó có thể nhận ra đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái, hàng giả... nên nguy cơ mua phải hàng nhái rất lớn.
Trước tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng hãy lựa chọn các cửa hàng thời trang uy tín. Nếu thích hàng “made in Việt Nam” thì nên tới các thương hiệu, đại lý chính hãng sẽ giúp người dùng thổi bay lo lắng về hàng giả hàng nhái.
Ngoài ra, do những thương hiệu thời trang lớn như Dior, Gucci, Burberry... không thuê gia công tại Việt Nam nên nếu thấy sản phẩm áo quần Made in Việt Nam nào có tem mác ghi thương hiệu các hãng này thì chắc chắn đây là hàng nhái.
Một điểm mà người tiêu dùng cần để ý đến chính là tem mác sản phẩm. Quần áo Việt Nam xuất khẩu xịn thường có từ 2-3 nhãn mác trở lên, có những sản phẩm 4-5 nhãn. Các nhãn mác này cung cấp đầy đủ thông tin về thương hiệu từ tên cho đến size, chất liệu, cách sử dụng, có thể gồm vài thứ tiếng.
Hàng Việt Nam xuất khẩu "xịn" rất ít quần áo kích cỡ nhỏ vì đối tượng phục vụ của các nhãn hàng chủ yếu là các nước phương Tây. Mặc khác, số lượng hàng xuất xịn rất hạn chế. Số lượng lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí muốn mua bao nhiêu cũng có thì rất có nguy cơ là hàng nhái.
Đặc biệt, đối với những hàng hóa xuất khẩu xịn thì từ chất vải và màu sắc sản phẩm đều được in tinh xảo, không bị lem màu, không dính vào nhau khi gấp lại, đường chỉ nuột nà, đều, may cẩn thận, không bị bung chỉ. Đây có thể coi là yếu tố cốt lõi giúp người tiêu dùng phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả.
(Theo Viet Q)