Xu hướng bán hàng qua livestream đang trở thành giải pháp hữu hiệu cho người kinh doanh trong thời điểm hiện nay.
Vì vậy, nhiều sinh viên trẻ đẹp, có khiếu ăn nói đã trở thành mục tiêu “săn đón” của nhiều địa chỉ bán hàng qua mạng để có thể “làm chủ cuộc live”.
Livestream - việc nhẹ lương cao
Chỉ chưa đến 5 phút đóng vai trò vừa làm mẫu, vừa chốt đơn, vừa giới thiệu sản phẩm, Minh Tấn đã có thể thu hút gần 2.000 lượt xem và mua hàng trực tiếp cho một shop bán hàng online. Gần 1 năm qua, công việc này đã giúp cho Chu Minh Tấn (sinh viên năm nhất, Đại học Nội vụ, Hà Nội) kiếm thêm thu nhập.
Hậu trường livetream cho các "mẫu live" không thua kém các studio di động. |
Minh Tấn chia sẻ: "Em biết đến công việc này qua giới thiệu của một người bạn. Sinh viên năm nhất thời gian rảnh vẫn nhiều nên em tranh thủ nhận việc. Trung bình em được trả khoảng 200.000 đồng/giờ livestream. Những ngày cuối tuần nhận nhiều giờ livestream, em có thể có kiếm khoảng 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng/ngày".
Minh Tấn cũng là một trong những người mẫu được săn đón vì ngoại hình ưa nhìn. |
Với thị hiếu khách hàng luôn mong muốn được nhìn quá trình trải nghiệm sản phẩm trực tiếp, livestream giờ đây đã trở thành một nghề mới với nhiều bạn trẻ. Không chỉ với các sinh viên đang còn học mà với các sinh viên mới ra trường đây cũng là một công việc hấp dẫn.
Anh Huy Anh (chủ nhóm thời trang tự thiết kế Cartoon) cho rằng: "Xu hướng livetream đang là hình thức thời thượng. Như đợt dịch COVID-19 vừa qua, tất cả sản phẩm của tôi đều bán qua mạng với hình thức này. Để tăng uy tín cho shop, tôi thuê luôn một nhân viên livestream chuyên nghiệp làm theo tháng. Trung bình một tháng trả lương từ 7 triệu đến 30 triệu đồng tùy vào hiệu quả làm việc".
So với các nghề làm thêm khác như gia sư, bồi bàn, giúp việc theo giờ…, livestream được coi là một trong những công việc "hái ra tiền" với những người trẻ. Tuy vậy, để có thể duy trì ổn định công việc cũng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng.
Người có khả năng chốt đơn "thần tốc" được săn lùng
Xinh xắn, ăn nói cuốn hút và có nhiều phát ngôn "đi vào lòng người" là điểm chung dễ gặp của các "host" live stream. Công việc livestream đòi hỏi nhiều kỹ năng, thậm chí phải sắm nhiều vai khác nhau. Từ làm MC giới thiệu sản phẩm, làm người mẫu trải nghiệm sản phẩm, lắm lúc còn trở thành "bệnh nhân" cho các phòng khám, viện thẩm mỹ. Tuy nhiên, đó lại không phải là mấu chốt để một người livestream được săn đón.
Chúng tôi khá bất ngờ với chia sẻ của Hồ Việt Trang - một trong những bạn trẻ đã có nhiều kinh nghiệm livestream: "Ngoại hình, ăn nói lưu loát, ứng biến tốt đều là những điều rất quan trọng với một người livestream. Tất nhiên, mục đích cuối cùng của việc làm livestream là tăng doanh số bán hàng. Thế nên, khả năng chốt đơn mà nhiều chủ shop gọi là "duyên bán hàng" mới là điều quan trọng nhất. Nhiều bạn trẻ tuy không có lợi thế về ngoại hình nhưng lại có duyên nên luôn được săn lùng. Do vậy, chỉ bằng livestream, nhiều sinh viên có thể sống "vương giả" mà không cần sự hỗ trợ từ gia đình".
Hồ Việt Trang trong một giờ "lên sóng" |
Không chỉ được trả lương cho nhiệm vụ livestream, những bạn trẻ có khả năng chốt đơn "thần tốc" còn có thể có cơ hội hợp tác kinh doanh mà không hề mất vốn. Thông thường, với mỗi sản phẩm thu được, người livestream sẽ được hỗ trợ từ 3-5% giá trị sản phẩm được bán trong livestream. Với những shop hàng uy tín và có độ hot trên mạng xã hội, số tiền hoa hồng này có thể lên tới hàng chục triệu trong một buổi live. Do vậy, sự "đắt sô" luôn tỷ lệ thuận với khả năng chốt đơn.
"Rủi ro"’ nghề livestream
Nhiều sinh viên mới vào nghề, thường chưa có kinh nghiệm lựa chọn nhãn hàng để hợp tác nên đã xảy ra không ít trường hợp đáng tiếc. Thường gặp nhất là người mua nghĩ họ là chủ shop. Khi phát hiện sản phẩm kém chất lượng, người sử dụng sẽ tìm đến Facebook người livestream để bôi nhọ, đe dọa gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự.
lNhiều người mẫu livetream còn phải thuê quản lý để đảm bảo về hình ảnh. |
Không chỉ vậy, khi chưa đủ nhận thức, nhiều sinh viên còn bị dụ dỗ thực hiện các hành vi nhạy cảm nhằm câu view, câu like cho các shop để bán được hàng.
Nhiều mánh khóe của các chủ shop đã được N.T.H, 21 tuổi, Đại học Ngoại thương chia sẻ: "Thông thường, với các sản phẩm liên quan đến nhu cầu sinh lý, các shop thường sẽ trả "giá hời" cho những sinh viên chịu livestream. Tuy nhiên, yêu cầu thì không hề đơn giản, từ nói chuyện "phòng the" đến ăn mặc hở hang. Thậm chí, với nhiều sản phẩm còn phải "thử trực tiếp".
Chẳng hạn với các sản phẩm chức năng dạng "một người uống, hai người vui", người live phải bóc trực tiếp sản phẩm bỏ vào miệng uống làm mẫu, mặc mẫu áo phô cơ thể quá mức sexy... Hậu quả sau những giờ live là hình ảnh cá nhân bị ảnh hưởng.
Biết kiểm soát tốt giới hạn livestream, tìm được nguồn hàng phù hợp, nhiều bạn trẻ đã học hỏi kinh nghiệm tự kinh doanh độc lập, thu về số tiền khủng. Nghề livestream là một nghề thời thượng, thu nhập cao tuy nhiên cũng lắm những rủi ro. Một khi các bạn trẻ đã bước vào livestream cũng có nghĩa là đánh cược uy tín, hình ảnh cá nhân vào nhãn hàng mà mình giới thiệu, quảng bá.
"Nổi tiếng" nhờ livestream Gần đây, hàng loạt hiện tượng mạng đã thu hút hàng triệu lượt xem từ các nền tảng nhờ bán hàng qua mạng như "Ty Thy gỏi đu đủ", "Cát Thy bánh tráng trộn",… Các "host" livestream này có lượt tương tác và số lượng săn đón mà bất kể ngôi sao giải trí cũng ao ước từ Youtube, Facebook, Titok… Một buổi làm ngoài của các "KOL bán hàng online" cho các shop khác cũng có giá từ 30 - 50 triệu đồng. |
(Theo GiadinhNet)