Theo đó, có 15 chỉ tiêu được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xét tuyển dịp này gồm các ngành: Luật; Tài chính ngân hàng; Xây dựng cơ bản; Quản lý đất đai, tài nguyên môi trường và Công nghệ thông tin.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay, sinh viên tốt nghiệp trong nước các chuyên ngành nêu trên từ các trường đại học sau: ĐH Quốc gia Hà Nội - Hà Nội; Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Hà Nội; ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - TP. Hồ Chí Minh; ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh - TP. Hồ Chí Minh; ĐH Xây dựng - Hà Nội; ĐH Kinh tế Quốc dân - Hà Nội; Học viện Tài chính - Hà Nội; Đại học Luật Hà Nội - Hà Nội; ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh - TP. Hồ Chí Minh; ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh – TP. Hồ Chí Minh; Học viện Ngân hàng – Hà Nội.
Đáng lưu ý, Ủy ban Kiểm tra cũng thông báo, các thí sinh học từ trường đại học ngoài nước có chuyên ngành nêu trên đều có thể đăng ký dự tuyển.
Sinh viên tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục ĐH ở trong nước hoặc nước ngoài (được công nhận về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật) có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học, trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật Thanh niên năm 2005 tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau.
Đó là, đạt giải ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học) và khoa học xã hội (ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ) trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông; Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở cấp THPT hoặc bậc ĐH; Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Ô-lim-pích thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ áp dụng hình thức xét tuyển với kết quả học tập và nghiên cứu (nếu có) của người dự tuyển đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP.
Sau đó sẽ phỏng vấn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển (thang điểm 100).
Thí sinh trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau đây: Có điểm phỏng vấn đạt từ 50 điểm trở lên; Có kết quả xét tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển dụng của từng ngành, chuyên ngành đào tạo cần tuyển; Có kết quả thẩm tra, xác minh về tiêu chuẩn chính trị và lý lịch đảm bảo theo quy định.
Thí sinh gửi hồ sơ dự tuyển qua đường bưu điện đến Vụ Tổ chức - Cán bộ, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Địa chỉ: Số 4, ngõ Nguyễn Cảnh Chân, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Thời hạn nhận hồ sơ: Từ ngày 01/10/2018 đến hết ngày 30/10/2018 (tính theo dấu bưu điện).
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho hay, thời gian phỏng vấn: dự kiến vào ngày 15/11 đến 20/11/2018.
Thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương được dư luận đặc biệt quan tâm.
Hồi tháng 6, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý. Trong đó có 9 cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên là Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1 Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.
Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và hơn 58.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu./.