Báo cáo tài chính quý III của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) cho thấy nhóm các công ty của tập đoàn này có khoản nợ vay lên tới hơn 18.063 tỷ tại thời điểm 30/9. Con số này tương đương gần 58% tổng nợ phải trả và 36% tổng nguồn vốn của cả tập đoàn.
Trong đó, nợ vay ngân hàng là gần 16.934 tỷ, giảm 19,7% soi với cuối quý II nhưng tăng 8,4% so với cuối năm trước.
Với đặc điểm hoạt động kinh doanh có tính quay vòng vốn nhanh và bán hàng, thu tiền mặt ngay, phần lớn nợ vay của MWG là nợ ngắn hạn. Cụ thể, trong số nợ vay ngân hàng, vay ngắn hạn lên tới 14.165 tỷ và chỉ có duy nhất một khoản vay dài hạn 2.768 tỷ đồng tại ngân hàng TNHH MTV HSBC (Singapore).
Đáng chú ý, phần lớn các khoản vay ngắn hạn của MWG đều do các ngân hàng nước ngoài tài trợ.
Báo cáo tài chính quý III cho thấy tại thời điểm 30/9, các ngân hàng ngoại cho ‘’ông lớn’’ bán lẻ này vay hơn 12.100 tỷ để bổ sung vốn lưu động gồm: HSBC Việt Nam (2.312 tỷ đồng), BNP Paribas chi nhánh Singapore (1.830 tỷ đồng), Standard Chartered Việt Nam (1.861 tỷ đồng), Mizuho Bank chi nhánh Hà Nội (1.331 tỷ), Sumitomo Mitsui chi nhánh Hà Nội (886 tỷ đồng),...
Đối với các ngân hàng trong nước, MWG chỉ có quan hệ vay vốn với hai ngân hàng là BIDV và Vietcombank với dư nợ vào cuối quý III lần lượt là 1.000 tỷ và 1.058 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính cả khoản nợ vay dài hạn với HSBC thì các ngân hàng nước ngoài cho MWG vay tổng cộng gần 14.868 tỷ đồng, chiếm 88% tổng nợ vay ngân hàng và gần 30% nguồn vốn hoạt động của ông lớn bán lẻ này.
Vay ngắn hạn của MWG vào cuối quý III. (Nguồn: BCTC)
Được biết, các ngân hàng nước ngoài thường có ưu thế về nguồn vốn giá rẻ, do vậy lãi suất cho vay thường thấp hơn so với các ngân hàng nội. Tuy nhiên, tiêu chuẩn cho vay của các nhà băng này cũng cao hơn, do vậy không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội được tài trợ vốn.
Thực tế, dữ liệu của FiinGroup cho thấy MWG có chi phí vốn vay bình quân (Cost of Financing - CoF) chỉ ở mức 3,7%/năm trên tổng số nợ vay ngắn hạn và dài hạn vào cuối quý 3/2021. Nguồn vốn huy động từ trái phiếu của MWG có thể có mức chi phí vốn cao hơn đáng kể, song chỉ chiếm khoảng 6,3% tổng nợ vay.
Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận đầu tư (Investment Yield) bình quân của MWG ở mức 7,2%/năm, ổn định trong 4 quý vừa qua. Nếu đem so với CoF bình quân 3,7% thì chênh lệch tương đối lớn (3,5%).
‘’Đây là mức lợi nhuận cao và không kém gì biên lợi nhuận tín dụng (NIM) của các ngân hàng thương mại và cao hơn cả lợi nhuận kinh doanh trái phiếu của các công ty chứng khoán’’, ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng giám đốc FiinGroup cho biết.
Với việc vay được nguồn vốn giá rẻ, không quá khó hiểu khi MWG đã gia tăng tỷ trọng đầu tư tài chính trong những tháng đầu năm trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính gặp khó vì dịch Covid-19.
Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, giá trị khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của MWG vào cuối quý III đạt hơn 6.814 tỷ đồng. Đây là các khoản tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm và có lãi suất dao động từ 6% đến 8,65%/năm.
Ngoài ra, trong quý III, MWG cũng xuất hiện khoản đầu tư tài chính dài hạn hơn 5.000 tỷ đồng. Được biết, đây là các khoản đầu tư trái phiếu thông qua các ngân hàng thương mại có kỳ hạn từ 3-5 năm và hưởng lãi suất từ 7,6%-9,3%/năm.
Bên cạnh đó, MWG cũng cho vay ngắn hạn CTCP Chứng khoán Tp. HCM (HSC) 665 tỉ đồng, hưởng lãi suất từ 6,4 - 7%/năm. Khoản cho vay này bắt đầu được MWG ghi nhận từ cuối quý 2/2021, với dư nợ 500 tỷ đồng.