Những bất tiện có thể gặp phải khi thanh toán bằng tiền mặt
Tiền mặt là hình thức thanh toán quen thuộc với nhiều người và vẫn được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch giá trị nhỏ. Tuy nhiên, hình thức truyền thống này đang ngày càng trở nên bất tiện với nhiều vấn đề về tiền thừa, kiểm đếm hay thất thoát nhất là khi thực hiện nhiều khoản thanh toán đơn lẻ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến những đối tượng thường xuyên phải thực hiện nhiều giao dịch riêng lẻ như tài xế và đối tác nhà hàng.
Có thể nhận thấy, các bất tiện khi thanh toán tiền mặt có thể khiến tài xế và đối tác nhà hàng gặp phải các tình huống không mong muốn. Việc thanh toán không tiền mặt đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện hơn sẽ giải quyết phần nào vấn đề mà họ đang gặp phải.
Thêm phần tiện lợi và tối ưu trong thanh toán cho tài xế và đối tác nhà hàng Be
Nhu cầu thanh toán không tiền mặt của người của người dân Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt khi trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% so với cùng kỳ năm ngoái (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước). Tuy nhiên, ngoài hình thức thanh toán truyền thống, rất ít tài xế và đối tác nhà hàng có thể chấp nhận thanh toán thẻ hay quét mã QR.
Nhằm đa dạng hình thức thanh toán, tạo sự tiện lợi cho tài xế và nhà bán hàng cũng như các khách hàng đang sử dụng dịch vụ của Be, SmartPay và Nền tảng Đa dịch vụ Be đã hợp tác, hướng đến mục tiêu trang bị 24.000 thiết bị SmartPOS cho dịch vụ beCar và beFood.
Tài xế và đối tác nhà hàng thực hiện rất nhiều giao dịch nhỏ lẻ mỗi ngày - điều này khiến họ gặp nhiều bất tiện với hình thức thanh toán truyền thống. Việc trang bị máy SmartPOS cho beCar và beFood sẽ giúp tối ưu việc giải quyết các rắc rối có thể phát sinh trong quá trình thanh toán. Với SmartPOS, thiết bị thanh toán đa chức năng của SmartPay, tài xế và đối tác nhà hàng có thể thực hiện nhanh chóng mọi giao dịch thanh toán thẻ hay quét mã QR bằng hầu hết các ứng dụng ngân hàng và ví điện tử.
Đại diện Nền tảng Đa dịch vụ Be cũng chia sẻ thêm, khách hàng của Be sẽ có thêm phương thức thanh toán qua SmartPOS để bổ sung thêm cho các phương thức thanh toán đa dạng hiện có khi sử dụng các dịch vụ của Be. Việc này sẽ tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho tài xế và nhà bán hàng của Be, cũng như khẳng định vị thế là nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ cho phép thanh toán theo nhiều phương thức nhất thị trường. Không dừng lại ở đó, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cũng là xu thế thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập nhanh hơn với kinh tế thế giới.
SmartPay vươn lên trở thành nhà cung cấp dịch vụ POS hàng đầu
Việc trang bị 24.000 thiết bị SmartPOS cho tài xế và đối tác nhà hàng không chỉ giúp cộng đồng 40 triệu người dùng SmartPay tiếp cận các dịch vụ của Nền tảng Be một cách thuận lợi hơn, mà còn là cột mốc quan trọng trong mục tiêu cung ứng 325.000 thiết bị SmartPOS cho tiểu thương trong vòng 3 năm tới của SmartPay. Qua đó, góp phần giải quyết sự thiếu hụt khoảng 1 triệu thiết bị POS tại Việt Nam và giúp họ vươn lên trở thành nhà cung cấp dịch vụ máy POS hàng đầu.
Bà Nguyễn Thị Trọng Phú – Tổng Giám Đốc của SmartPay
"Ngay từ những ngày đầu, SmartPay đã lấy tiểu thương làm trọng tâm và sáng tạo những giải pháp phù hợp giúp họ phát triển kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang số hóa mạnh mẽ, cả nước đang chuyển dần từ kinh tế tiền mặt sang không tiền mặt, khiến những người kinh doanh nhỏ lẻ gặp khó khăn để "chuyển mình" do hạn chế về công nghệ. Việc hợp tác với Be Group sẽ giúp nhóm đối tượng này tiếp cận với những giải pháp thanh toán tiên tiến mà SmartPOS đem lại. Chúng tôi tin rằng, khi được "tiếp sức" để phá bỏ những rào cản về công nghệ, nhà bán hàng sẽ biến khó khăn thành cơ hội, phát huy hết tiềm lực của mình và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế quốc gia", bà Nguyễn Thị Trọng Phú, Tổng Giám Đốc của SmartPay, chia sẻ.
"Cú bắt tay" này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường thanh toán số sôi động hơn, đưa Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu xây dựng xã hội không tiền mặt.