Đứng đầu thế giới cả về sản lượng lẫn xuất khẩu, mỗi năm cá tra thu về hơn 2 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu. Nay con cá tỷ đô này của Việt Nam tìm về “sân nhà”, bởi trước nay thị trường nội địa vốn còn bỏ ngỏ.
Con cá tỷ đô gặp khó vì đại dịch
Số liệu từ Bộ NN-PTNT, diện tích nuôi cá tra của nước ta ước khoảng 6.600ha, sản lượng 1,5 triệu tấn/năm. Cá tra Việt Nam đã xuất khẩu đi 119 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD mỗi năm. Con cá tỷ đô này của Việt Nam đang giữ ngôi vương thế giới cả về sản xuất lẫn xuất khẩu.
Đặc biệt, ngày 31/10/2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ chính thức công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang nước này. Điều này khẳng định uy tín, chất lượng cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ.
Song, từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu cá tra bị đình trệ. Kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam gặp khó vì đại dịch Covid-19 |
Hoạt động xuất khẩu lao dốc khiến một lượng lớn mặt hàng cá tra bị tồn kho, không thể xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mất đơn hàng, nguy cơ quá hạn và thiệt hại lớn về kinh tế.
Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 5 chững ở mức thấp.
Sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, giá và lượng bắt cá của các công ty vẫn ổn định, đạt 18.000-18.200 đồng/kg đối với cá tra loại 1 (trọng lượng 700-900 gram/con). Song, nhu cầu bắt cá nguyên liệu trên thị trường duy trì ở mức thấp. Các công ty lớn hầu như không bắt cá ngoài mà chủ yếu đánh bắt trong hệ thống liên kết, các công ty nhỏ, đơn vị gia công bắt cá ngoài rất ít.
Cho tới nay, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, thị trường lớn nhất chiếm 22,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, đang hồi phục.
Dự báo, ít nhất hết quý 2/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra tại hầu hết các thị trường lớn đều chưa thể vượt lên mức tăng trưởng dương so với cùng kì năm trước.
Bám vào thị trường nội địa
Tại sự kiện kết nối "Sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra" diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện ngành cá tra đã xây dựng được hệ sinh thái đầy đủ, từ việc tạo ra con giống đến chuỗi chăn nuôi với 150 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ.
Từ chỗ chỉ xuất khẩu sang 10 nước châu Á, đạt 100 triệu USD/năm, đến nay cá tra Việt Nam đã có mặt tại 119 quốc gia. Đây là sự cố gắng vượt bậc của nông dân nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra tại ĐBSCL.
Theo Bộ trưởng, để khắc phục khó khăn, ngoài xuất khẩu cần phát triển thị trường nội địa. Sự kiện kết nối sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cá tra lần này chính là để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao, cũng như củng cố hình ảnh và phát triển kênh bán hàng mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, phải coi trọng thị trường nội địa chứ không phải vì khó khăn mới quay về |
"Cá tra Việt Nam rẻ, tại sao không ăn?", Bộ trưởng đặt vấn đề. Ông cho rằng, muốn mở thị trường nội địa phải có sự cộng tác chặt chẽ giữa sản xuất và phân phối. Cần kiên trì vận động tuyên truyền người tiêu dùng biết đến sản phẩm cá tra đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, qua đó hình thành thói quen tiêu dùng với người dân.
“Nếu khai mở được thị trường trong nước sẽ đạt được mục tiên kép vừa tăng được sản lượng vừa tăng được giá trị của con cá tra. Không phải vì khó khăn mới quay về thị trường nội địa mà giờ chúng ta phải coi trọng thị trường nội địa để phát triển bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bà Phạm Mỹ Linh - Giám đốc chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ (Tập đoàn Massan) - một trong 8 doanh nghiệp tham gia lễ ký kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá tra, cho hay, để có nguồn cung hàng hóa dồi dào, hệ thống siêu thị này cần những nhà cung cấp có nguồn hàng đầy đủ và ổn định, giá cả cạnh tranh, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng.
"Để đến được với các nhà cung cấp đó, chúng tôi rất cần sự kết nối, quan tâm, đồng hành của cơ quan nhà nước. Chúng tôi cũng mong muốn được kết nối tới nhà cung cấp các mặt hàng nông sản chất lượng khác để đưa vào hệ thống siêu thị", bà Linh nói.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, cho rằng, về mặt dinh dưỡng, cá tra là loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe với hàm lượng đạm và các loại dinh dưỡng, đặc biệt là Omega 3. Đặc biệt, giá các sản phẩm cá tra so với các loại thịt và cá khác khá rẻ. Do đó, nếu đưa cá tra vào được thị trường nội địa thì đây sẽ là kênh tiêu thụ quan trọng và ổn định.
Tâm An