Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 162,74 tỷ USD, tăng 14,4% (tương ứng tăng 20,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả này thì cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5 năm 2018 có mức thâm hụt 1,37 tỷ USD, tuy nhiên cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 5 năm 2018 vẫn duy trì thặng dư 2,51 tỷ USD.
Trong 15 ngày đầu tháng 5/2018 khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có kim ngạch xuất nhập khẩu trị giá 11,75 tỷ USD, tăng 2% tương ứng tăng 227 triệu USD so với nửa cuối tháng 4/2018. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2018 khối này đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 105,64 tỷ USD, tăng 13,2%, tương ứng tăng 12,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong nửa đầu tháng 5/2018 đạt thặng dư 465 triệu USD, đưa mức thặng dư của khối này từ đầu năm đến hết 15/5/2018 lên 11,41 tỷ USD.
Về xuất khẩu:
Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2018 đạt 8,78 tỷ USD, giảm 7,9% (tương ứng giảm 752 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 4/2018. Tính đến hết ngày 15/5/2018, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 82,63 tỷ USD, tăng 18,7% (tương ứng tăng 13,02 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.
So với nửa cuối tháng 4/2018, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 5/2018 biến động giảm ở một số nhóm hàng sau: hàng dệt may giảm 10,5%, tương ứng giảm 114 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 109 triệu USD, tương ứng giảm 30,3%; sắt thép các loại giảm 94 triệu USD, tương ứng giảm 39,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 88 triệu USD, tương ứng giảm 12,4%...
Biểu đồ 1: Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam
(Lũy kế đến 15/5/2018 so với cùng kỳ năm 2017)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt 6,11 tỷ USD, giảm 6,6% (tương ứng giảm 435 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 4/2018. Như vậy, tính đến hết ngày 15/5/2018 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 58,52 tỷ USD, tăng 18,6% tương ứng tăng 9,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm đến 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Về nhập khẩu:
Trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2018 đạt 10,15 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 1,42 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 4/2018. Tính đến hết ngày 15/5/2018 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 80,11 tỷ USD, tăng 10,4% (tương ứng tăng 7,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.
So với nửa cuối tháng 4/2018, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 5/2018 biến động giảm ở một số nhóm hàng sau: than các loại giảm 66 triệu USD, tương ứng giảm 34,9%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 21 triệu USD, tương ứng 4,7%... Bên cạnh đó, một số nhóm hàng có biến động tăng mạnh bao gồm: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 368 triệu USD, tương ứng tăng 30,7%; chất dẻo nguyên liệu tăng 64,27 nghìn tấn, tương ứng 35,2% về lượng, và tăng 101 triệu USD, tương ứng tăng 33,3% về trị giá; sắt thép các loại tăng 125,91 nghìn tấn, tương ứng tăng 21,1% về lượng và tăng 92,41 triệu USD về trị giá, tương ứng tăng 21,7%...
Biểu đồ 2: Kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam
(Lũy kế đến 15/5/2018 so với cùng kỳ năm 2017)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 5/2018 đạt 5,64 tỷ USD, tăng 13,3% (tương ứng tăng 662 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 4/2018. Như vậy, tính đến hết ngày 15/5/2018 kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 47,11 tỷ USD, tăng 7,2%, tương ứng tăng 3,15 tỷ USD, chiếm 58,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.