Cao lanh (hay kaolin) là khoáng chất công nghiệp được loài người biết đến và sử dụng từ lâu. Ngày nay, cao lanh vẫn là nguyên liệu quan trọng và được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, có thể kể đến như sản xuất gốm sứ, gạch chịu lửa, làm chất độn trong công nghiệp sản xuất giấy, sơn, phân bón, cao su, chất dẻo...
Trữ lượng cao lanh ở Việt Nam
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cùng Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện năm 2008, cao lanh có mức phân bố khá rộng rãi và phổ biến ở nhiều nơi trên lãnh thổ nước ta, tập trung chủ yếu ở các khu vực: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Trên cơ sở các kết quả điều tra thăm dò địa chất và thực trạng công tác khai thác cao lanh tính đến năm 2008, các tác giả của nghiên cứu cho biết Việt Nam có trữ lượng cao lanh xác nhận là khoảng 267 triệu tấn ở 67 tụ khoáng và mỏ đã được phát hiện, tìm kiếm hoặc thăm dò.
Việt Nam có trữ lượng cao lanh lớn.
Với số lượng tài nguyên và trữ lượng cao lanh nêu trên, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về nguyên liệu cao lanh ở vùng châu Á, Thái Bình Dương và chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ - nghiên cứu nhận định.
Tới nay, chưa đủ số liệu để thống kê về sản lượng khai thác hàng năm. Tuy nhiên, căn cứ theo nhu cầu của các ngành sử dụng cao lanh khoảng thời gian năm 2008 trở về trước, có thể ước đoán mỗi năm Việt Nam khai thác được khoảng 200.000 tấn cao lanh.
Tại sao khó khai thác?
Từ các số liệu nêu trên, có thể thấy nước ta có tiềm năng lớn về cao lanh. Bên cạnh đó, điều kiện khai thác rất thuận tiện, nhưng sản lượng khai thác hàng năm còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu sử dụng hiện nay.
Theo nghiên cứu nói trên, nhu cầu tiêu thụ nguồn nguyên liệu cao lanh trong nước và xuất khẩu ngày càng gia tăng. Tuy vậy, công nghiệp khai khoáng còn lạc hậu, chủ yếu bằng phương pháp thủ công và bán cơ giới, nên sản lượng thấp, mức độ tổn thất tài nguyên khá lớn.
Do công nghệ tuyển, chế biến còn lạc hậu, nên hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu cao lanh chất lượng cao phục vụ cho sản xuất giấy và gốm sứ cao cấp. Cao lanh xuất khẩu là nguyên liệu thô, giá trị kinh tế thấp, không tận dụng được nguồn nhân lực trong nước.
Sản xuất và chế biến cao lanh chất lượng cao vẫn là vấn đề lớn.
Kết luận của nghiên cứu cho rằng tài nguyên cao lanh ở Việt Nam khá lớn nhưng chất lượng không cao, hầu hết các mỏ cao lanh của Việt Nam đã được thăm dò đều không đạt chất lượng của cao lanh thương phẩm. Các mỏ có trữ lượng lớn và trung bình thường có chất lượng trung bình, thấp.
Ngoài ra, công tác nghiên cứu, điều tra, đánh giá, thăm dò nguyên liệu cao lanh, mức độ nghiên cứu thành phần vật chất, khả năng chế biến còn nhiều hạn chế, do đó mức độ sử dụng cao lanh trong nước không có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.
Nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp để giải quyết tình trạng này, bao gồm: nghiên cứu phân loại chất lượng cao lanh để sử dụng hợp lý cho các ngành công nghiệp sứ gốm cao cấp, sứ gốm vệ sinh, giấy, vật liệu chịu lửa, sơn, cao su, mỹ phẩm,...; nghiên cứu công nghệ tuyển và chế biến để thu hồi sản phẩm cao lanh chất lượng cao phục vụ cho sản xuất giấy và sứ cao cấp trong nước và tiến tới xuất khẩu ra thị trường thế giới; tổ chức khai thác, chế biến có tiêu chuẩn với các vùng mỏ có quy mô lớn, chất lượng cao và đầu tư xây dựng công nghệ chế biến để sản xuất các sản phẩm cao lanh thương phẩm cho xuất khẩu, tiến tới loại bỏ xuất quặng thô.
Tình trạng khai thác cao lanh trái phép lan tràn
Tình hình khai thác trái phép cao lanh ở Việt Nam là vấn đề phức tạp, bắt gặp ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, bao gồm Phú Thọ, Yên Bái, Lâm Đồng...
Theo phản ánh của nhiều người dân, “cao lanh tặc” núp bóng dưới danh nghĩa san đất làm nền nhà, vườn tược, chuồng trại, đường giao thông… để khai thác cao lanh trái phép.
Người dân sống gần khu vực cao lanh bị khai thác trái phép ở Phú Thọ cho biết, hoạt động khai thác đã diễn ra vài năm nay. Nhiều xe ô tô có trọng tải lớn ầm ầm lao vào chở hàng khiến con đường bê tông liên thôn bị băm nát, trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì bụi mù mịt, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân.
Ngang nhiên khai thác cao lanh trái phép ở Phú Thọ. Ảnh: Báo Nhân dân
Theo phản ánh, người dân tại xã Đào Xá, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ cho biết máy xúc đào bới từ sáng đến đêm khuya. Nhóm khai thác tận dụng thời gian để tập kết cao lanh thành đống lớn, đợi đêm khuya mới cho xe chở mang đi bán. Máy móc chạy ầm ầm cả đêm, ảnh hưởng rất lớn tới giấc ngủ của người dân.
Theo một cán bộ thanh tra giao thông (Sở GTVT Lâm Đồng) thì việc vận chuyển cao lanh thường diễn ra vào ban đêm để dễ dàng né tránh cơ quan chức năng.
Tình trạng khai thác cao lanh ở Lào Cai cũng không khả quan hơn. Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào Cai đã sử dụng nhiều phương tiện cơ giới là máy xúc, ô tô tải trọng lớn... để khai thác các mỏ cao lanh lộ thiên, dẫn đến môi trường sống của người dân bị ô nhiễm. Không chỉ vậy, việc khai thác mỏ đã khiến ruộng sản xuất của bà con bị vùi lấp.
Trả lời Báo Dân tộc và Phát triển, ông Triệu Văn Hưng, người dân xã Làng Giàng cho biết: "Đường ra vào mỏ đang tận dụng một phần đường nông thôn mới của thôn Hô Phai, xã Làng Giàng. Con đường ra vào mỏ chỉ vừa một xe, những xe tải trọng lớn chở quặng đi qua gây tiếng ồn, khói bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân ven đường."
"Xe ra vào mỏ nhiều khi hoạt động suốt ngày đêm, bấm còi inh ỏi, kể cả khi bà con đang ngủ. Trẻ nhỏ nhiều khi giật thót mình tỉnh giấc vì tiếng động ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập, sinh hoạt và sức khỏe người dân. Có khi một lúc hàng chục xe rầm rầm chạy qua, ở trong nhà xem tivi mà không nghe thấy tiếng. Như gia đình tôi phải mua cái loa to về cắm vào tivi mà cũng vẫn không nghe nổi", ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, mỗi lần xe chạy qua cuốn bụi lên tận mái nhà, len lỏi tới các ngóc ngách, phủ kín đồ đạc trong nhà của các hộ dân ven đường. Không chỉ đồ ăn, nước uống cũng bị ảnh hưởng, đáy bể một số hộ dân được che chắn cẩn thận nhưng bụi cao lanh lâu ngày lắng xuống đóng dày đáy bể.
Như vậy, có thể thấy rằng, dù tiềm năng khai thác cao lanh của Việt Nam là rất lớn, nhưng những hạn chế về công nghệ khai thác, chế biến, quản lý và đảm bảo an toàn cho môi trương trong quá trình khai thác cao lanh vẫn còn là bất cập và rủi ro đối với ngành này tại Việt Nam.