Đó là đất hiếm. Đây là lĩnh vực được một tập đoàn lớn của Hàn Quốc đề cập đến trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo đó, sáng 3/7, bắt đầu ngày làm việc cuối trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này, Thủ tướng đã tiếp lãnh đạo của 6 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đang làm ăn ở Việt Nam, bao gồm CJ, Posco, LG, Daewoo E&C, GS Engineering & Construction Corp, Celltrion và ngân hàng KDB.
Đề nghị các tập đoàn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ cùng đồng hành và hỗ trợ để các tập đoàn đầu tư, xây dựng, phát triển các dự án tại Việt Nam hiệu quả, thành công và cùng thắng.
Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Chang In Hwa, chủ tịch Tập đoàn Posco. Đây là một trong top 5 doanh nghiệp kinh doanh tại Hàn Quốc, với doanh thu năm 2023 đạt 59 tỷ USD và lợi nhuận 2,7 tỷ USD, 34.000 lao động. Trong 14 năm liên tiếp, Posco được bầu chọn là "nhà sản xuất thép cạnh tranh nhất thế giới".
Tập đoàn Posco đã thành lập 4 chi nhánh về thép ở Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư 1,8 tỷ USD. Trong năm 2023, doanh thu của Posco tại Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, sản lượng thép làm ra khoảng 1,8 triệu tấn/năm, với trên 2.100 lao động.
Tại cuộc gặp này, lãnh đạo Tập đoàn Posco bày tỏ quan tâm tới lĩnh vực năng lượng sạch, nhiệt điện khí và mong muốn được tham gia khai thác , chế biến đất hiếm tại Việt Nam. Posco cũng đề nghị chuyển cảng chuyên dụng của tập đoàn tại Bà Rịa - Vũng Tàu sang cảng thương mại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao về những hoạt động đầu tư kính doanh của Tập đoàn Posco ở Việt Nam thông qua hiệu quả hoạt động của những công ty thành viên. Đồng thời Thủ tướng hoanh nghênh tập đoàn mở rộng đầu tư và hoạt động ở Việt Nam theo hướng phát triển xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.
Về khai thác đất hiếm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay các nước lớn đều quan tâm, nên Chính phủ Việt Nam sẽ cùng Tập đoàn Posco xem xét cũng như bàn giải pháp trong khai thác dựa trên tinh thần tôn trọng quyền bình đẳng của nhà đầu tư.
Việt Nam muốn tăng cường hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, trên tinh thần cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, công khai và minh bạch giữa những nhà đầu tư từ các quốc gia theo hướng công nghệ cao, khai thác bền vững, chế biến sâu và bảo đảm môi trường.
"Đất hiếm nhiều nhưng phải khai thác bền vững", Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn Posco nghiên cứu tham gia vào các dự án nhiệt điện LNG ở Thanh Hóa, Nghệ An. Về việc chuyển đổi công năng cảng, Thủ tướng đề nghị Posco nêu các đề xuất cụ thể với các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiến hành xem xét, giải quyết trên cơ sở quy hoạch và các quy định hiện hành, hai bên cùng có lợi và bảo đảm môi trường.
Posco không phải là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên bày tỏ mong muốn tham gia khai thác và chế biến đất hiếm ở Việt Nam.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… đều quan tâm tới lĩnh vực đất hiếm ở Việt Nam. Ví dụ, lãnh đạo Tập đoàn đất hiếm Trung Quốc (CREG) từng 2 lần ngỏ lời muốn đầu tư vào lĩnh vực đất hiếm ở Việt Nam vào tháng 11/2023 và tháng 4/2024. Ngoài ra, sau khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp mối quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023, phía Mỹ cũng đã cam kết hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp Việt Nam khai thác đất hiếm.
Theo các chuyên gia, đất hiếm đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, máy bay, điện thoại, tuabin điện gió và công nghiệp quốc phòng. Đất hiếm còn đóng vai trò quan trọng trong an ninh và chiến lược quốc gia
Việc đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực đất hiếm được nhiều quốc gia, tập đoàn lớn chú trọng vì những sản phẩm công nghệ cao như máy tính, điện thoại…, thiết bị quân sự và đặc biệt là sản xuất pin dành cho xe điện đang được rất nhiều người tiêu dùng hiện nay quan tâm.
Theo công bố của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) năm 2022, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 trên thế giới (với 22 triệu tấn), chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Do đó, theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam đang trong một giai đoạn bước ngoặt để làm chủ "kho báu" có trữ lượng lớn thứ hai trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh đất hiếm trở thành mặt hàng chiến lược với nhiều quốc gia vì những xung đột địa chính trị, địa kinh tế…
Trên thực tế, Việt Nam đã phê duyệt về "Quy hoạch thăm dò, khai thác , chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Cụ thể, Việt Nam sẽ tiến hành khai thác khoảng hơn 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai mỗi năm. Trong đó, có mỏ được tập trung đầu tư để khai thác là Yên Phú (Yên Bái) và Đông Pao (Lai Châu).
Ở Việt Nam, tài nguyên đất hiếm được phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm và á kiềm giàu những nguyên tố đất hiếm. Đây chính là điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.
Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu khai thác đất hiếm vào khoảng từ năm 2014. Tuy nhiên, việc khai thác và xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Hơn nữa, hình thức khai thác vẫn còn nhỏ lẻ.
Đặc biệt, Việt Nam vẫn chưa có khả năng chế biến sâu đất hiếm để thực hiện phân tách các nguyên tố đất hiếm riêng lẻ. Thay vào đó, nước ta hiện nay chủ yếu xuất khẩu đất hiếm dưới dạng quặng thô có giá thành không cao.
Đất hiếm là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn, bao gồm Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).
Bài tham khảo nguồn: USGS, Posco, NST, VGP