Số người chết vì bệnh phổi lạ tăng bất thường
Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành sàng lọc trên quy mô toàn quốc trong bối cảnh dịch phổi lạ đang ngày càng diễn biến nghiêm trọng. Hàng trăm triệu người đi lại trong dịp Tết Nguyên đán khiến nguy cơ lây lan ngày càng trở nên đáng sợ.
Hiện tại, Trung Quốc sẽ cải thiện việc giám sát trên mạng lưới giao thông toàn quốc và áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt nhất để theo dõi những người bị sốt. Thông tin này đã được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đưa ra trong một cuộc họp ở Bắc Kinh ngày 22/1, tức ngày 28 Tết.
Bên cạnh đó, Ủy ban này cũng xác nhận số trường hợp tử vong vì bệnh phổi lạ đã tăng lên 9 người, trong đó có 3 trường hợp tử vong mới ở Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, 440 người ở 13 tỉnh của Trung Quốc đã được xác nhận nhiễm bệnh vào ngày 21/1. 1.394 bệnh nhân khác đang trong nằm trong diện theo dõi.
Trước đó, nhà chức trách Trung Quốc cũng xác nhận virus lạ thuộc chủng coronavirus có thể lây nhiễm từ người sang người gây ra bệnh viêm phổi. Loại virus này cùng họ với loại virus gây ra bệnh SARS và MERS, từng khiến thế giới chao đảo nhiều năm trước. Do các bệnh nhân đầu tiên đều liên quan đến một khu chợ hải sản ở Vũ Hán nên các chuyên gia tin rằng virus này lây từ động vật sang người trước khi lây giữa người với người.
Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Mỹ đều đã thông báo phát hiện các trường hợp nhiễm virus lạ. Đài Loan, Trung Quốc cũng đã xác nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Các trường hợp này đều từng có mặt ở Trung Quốc vào thời điểm dịch bệnh bùng phát nhưng không phải tất cả các bệnh nhân đều có liên quan tới khu chợ hải sản tình nghi.
WHO họp khẩn vì virus lạ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), coronavirus là một họ virus lớn, thường gây cảm lạnh và các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Loại virus lạ gây nên các trường hợp tử vong nêu trên là một chủng coronavirus mới, chưa từng được tìm thấy ở người trước đây, được WHO đặt tên là 2019-nCoV.
Hiện tại, hiểu biết của các nhà khoa học về loại virus mới còn rất hạn chế. Với các mẫu bệnh phẩm được Trung Quốc chia sẻ, các nhà khoa học trên toàn thế giới đang tập trung nghiên cứu về loại virus mới nhằm sớm có những thông tin đầy đủ nhất cũng như tìm ra được phác đồ và các loại thuốc điều trị phù hợp.
Riêng ở Trung Quốc, nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với các bệnh nhân dù họ sử dụng các đồ bảo hộ chuyên dụng. Hiện tại, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu cơ chế lây lan của dịch bệnh nhằm tìm ra cách đối phó.
Hôm nay, WHO sẽ ra quyết định cuối cùng về dịch bệnh ở Trung Quốc và đang lây lan khắp thế giới để xác định xem đây có phải trường hợp khẩn cấp với sức khỏe cộng đồng hay không. Nếu tình trạng khẩn cấp được ban bố, nhiều biện pháp cấp thiết và nghiêm ngặt sẽ được áp dụng để ngăn bệnh lây lan.
Trong quá khứ, WHO từng ban bố tình trạng khẩn cấp trước dịch bệnh SARS và Ebola. Các nhà khoa học đang theo dõi các bệnh nhân, xét nghiệm nước bọt và các dịch khác để xác định nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những người mà bệnh nhân từng tiếp xúc cũng nằm trong diện theo dõi để xem virus lạ có dễ lây từ người sang người hay không. Những người tình nghi cũng bị hạn chế đi lại nhằm ngăn việc lây lan tiềm năng ra cộng đồng.
Sau khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, Mỹ áp tiến hành kiểm tra mở rộng đối với hành khách từng có mặt ở Trung Quốc.
Những gì đang xảy ra tại Trung Quốc gợi nhớ ký ức kinh hoàng về đại dịch SARS xảy ra năm 2002-2003 làm 800 người chết. Hiện tại, dịch bệnh đang gây nỗi lo sợ trên quy mô toàn cầu. Cổ phiếu các hãng hàng không và hàng xa xỉ đã bị ảnh hưởng nặng nề vì mỗi lo đại dịch. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đang rớt giá.
Hãng hàng không Cathay Pacific Airways Ltd của Hồng Kông, một trong những hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch SARS, cho biết họ sẽ cho phép tiếp viên đeo mặt nạ chuyên dụng trên các chuyến bay từ Trung Quốc đại lục vì những lo ngại về virus mới.
Trong khi đó, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đã ban hành cảnh báo, đề nghị công dân hạn chế tới Vũ Hán trong thời điểm dịch bệnh đang có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế lo ngại dịch bệnh mới có thể làm giảm chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc ngay cả khi dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã chính thức bắt đầu. Với 3 tỷ lượt người đi lại trong dịp lễ, bao gồm cả đi lại nội địa và quốc tế, nguy cơ lây lan của dịch bệnh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát.