Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) vừa công bố Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống năm 2018. Đây là kết quả của cuộc khảo sát được thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố. TLĐ đã thực hiện và xử lý 3.008 phiếu hỏi đối với người lao động (NLĐ).
Qua khảo sát, với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống) có 32,1% người lao động (NLĐ) cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà NLĐ dành dụm để chi tiêu dịp lễ Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái.
So sánh thu nhập với chi tiêu của NLĐ và gia đình, kết quả như sau: 17,4% NLĐ cho biết có dư dật và tích luỹ; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5 % phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống.
So với năm 2017, tỷ lệ NLĐ cho biết thu nhập so với chi tiêu "có dư đật, tích lũy" tăng 1,3%; số NLĐ gặp khó khăn "không đủ sống, phải làm thêm giờ" chỉ tăng nhẹ (0,5%), nhưng tỷ lệ NLĐ "vừa đủ trang trải cho cuộc sống" giảm 7,6%; tỷ lệ NLĐ phải chi tiêu "tằn tiện, kham khổ" tăng lên 5,8%. Nhưng nhìn chung, đa số NLĐ cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn, song thu nhập cơ bản đủ trang trải cho cuộc sống.
TLĐ cho biết, mức lương cơ bản trung bình của công nhân 11 doanh nghiệp FDI tại khu công nghiệp Linh Trung I là 4,78 triệu đồng; thu nhập trung bình 6,2 triệu đồng. Khi so sánh thu nhập và chi tiêu, các hộ độc thân có tiết kiệm trung bình 1,2 triệu đồng/tháng; các hộ gia đình sinh 01 con, thu nhập của 2 vợ chồng đủ tạm trang trải cuộc sống, số tiền dành dụm được ít, chỉ mức 300 nghìn đồng/tháng, nhưng có tới 9,1% có không có tích lũy và 3,1% gặp khó khăn, thiếu thốn. Riêng các hộ gia đình 2 con thì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
¼ số người lao động bức xúc vì lương thấp
Theo kết quả tìm hiểu của TLĐ, tiền lương tiếp tục là vấn đề gây bức xúc đối với người lao động. Tỷ lệ người lao động cho rằng mức tiền lương còn thấp và không có thêm các khoản phụ cấp là 25,7%. Các nội dung khác, tuy tỷ lệ có bức xúc không cao, nhưng cũng thể hiện sự không hài lòng của NLĐ với các nội dung liên quan. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động và đình công vẫn còn xẩy ra.
Trong những tháng đầu năm 2018, cả nước có 131 cuộc đình công: các doanh nghiệp FDI có 103 cuộc, chiếm 78,6%; ngành dệt may 48 cuộc, chiếm 36,6 %; giày da có 27 cuộc, chiếm 20,6%; điện tử 20 cuộc, chiếm 15,3%.
Đánh giá mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập của mình, NLĐ cho biết: 17,2% đánh giá hài lòng, giảm 5,5% so với năm 2017; tỷ lệ 65,7% tạm hài lòng, tăng 13,3%; tỷ lệ 17,1% không hài lòng, giảm 7,8%.
"Tình hình kinh tế có nhiểu khởi sắc, tăng trưởng cao, số lượng doanh nghiệp mới nhiều hơn số lượng doanh nghiệp "chết đi". Đây là tín hiệu cho thấy tình hình kinh tế khả quan, có điều kiện để tăng lương tối thiểu vùng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng không thể dưới 8%. Đây là mức đã được tính toán, cộng phần trăm trượt giá, tăng năng suất lao động, chênh lệch giữa mức lương tối thiểu và nhu cầu sống tối thiểu" - ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia, chiều 09/7.
Theo đại diện TLĐ, 8% tương đương khoản tiền từ 220.000 - 330.000 đồng/tháng, tùy vùng. Phương án này chỉ đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện chủ sủ dụng lao động) cho rằng, chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2019. Các doanh nghiệp muốn có nguồn lực để bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động. Từ đó, tăng năng suất lao động trước khi nâng lương.