Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có báo cáo thông tin kết quả thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2019. Điểm nhấn là có sự gia tăng đột biến về số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chỉ tính riêng số người tăng mới trong năm 2019 đã gần bằng kết quả 10 năm trước đó.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước tính đến hết năm 2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 15,185 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 551 nghìn người; bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp là 15,068 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp là 13,343 triệu người; bảo hiểm y tế là 85,390 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.
Cùng với đó, số thu về quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế cũng không ngừng gia tăng, với tổng số thu ước 361.549 tỷ đồng, đạt 100,54% kế hoạch cả năm.
Cũng trong năm 2019, việc phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đạt được kết quả vượt bậc. Số người tham gia tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người vận động được của 10 năm trước đó.
Cụ thể, tính đến hết năm 2019, toàn quốc có 551.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 281.000 người so với năm 2018.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá, đây là con số ấn tượng, có sự gia tăng đột biến, bởi chỉ tính riêng số người tăng mới trong năm 2019 đã gần bằng kết quả 10 năm thực hiện chính sách này từ năm 2008 đến năm 2018.
Cụ thể, năm 2008, năm đầu tiên thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, toàn quốc mới chỉ có 6.000 người tham gia, đến hết năm 2018 con số này là 270.000 người.
Tuy nhiên, theo thống kê, hiện cả nước còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm bản lề quan trọng để đạt mục tiêu đầu tiên về bảo hiểm xã hội tự nguyện trong Nghị quyết số 28-NQ/TW. Bởi vì, hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc vận động người dân tham gia đang còn không ít khó khăn, thách thức do chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn với người lao động tự do có mức thu nhập thấp, bấp bênh trong khi thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm).
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, chưa có cơ chế hoa hồng đủ sức hấp dẫn các đại lý thu…
Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ngành sẽ mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu.
Đồng thời, giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện cho bảo hiểm xã hội cấp huyện và từng đại lý thu; đa dạng các hình thức thu, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện...
Tính đến ngày 30/11/2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng tại 8.574 đơn vị.
Kết quả, phát hiện 29.050 lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 127,4 tỷ đồng; 33.011 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 63,5 tỷ đồng.
Tổng số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong thời gian thanh tra là 880,9 tỷ đồng.