Số lượng người thất nghiệp của Mỹ trong tháng 4 đã đạt mức cao kỷ lục, nhưng thị trường chứng khoán vẫn khởi sắc. Diễn biến này dường như khá kỳ lạ khi nền kinh tế đang phải chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh – khiến hàng triệu người ở Mỹ không có việc làm. Trong khi một số ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy TTCK đã không còn phản ánh thực tế, thì số khác lại nhận định có những lý do rõ ràng đằng sau đó và thậm chí Phố Wall có thể tiếp tăng điểm mạnh hơn nữa.
Đầu tiên, số liệu việc làm là một chỉ báo mang tính quá khứ. Số liệu của tháng 4 ghi nhận mức kỷ lục là 20,5 triệu người Mỹ mất việc. Nhưng sau đó nền kinh tế đã bắt đầu mở cửa trở lại, vẫn còn cả một quãng thời gian dài để theo dõi nhưng thị trường đang phả ánh những gì sẽ diễn ra trong 6 tháng kể từ hiện tại – khi hầu hết hoạt động kinh doanh ở các bang sẽ tái khởi động.
Ngoài ra, các nhà chiến lược cũng chỉ ra rằng đà sụt giảm phần lớn chỉ tập trung vào lĩnh vực giải trí và khách sạn – theo đó ảnh hưởng đến diễn biến của các lĩnh vực khác. Khi chính phủ và Fed tung ra những biện pháp kích thích lớn kỷ lục, thì một số người lập luận rằng khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại thì sự hồi phục sẽ diễn ra nhanh chóng.
Kết thúc phiên 8/5, cả Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều có diễn biến tích cực và cao hơn so với mức đáy hôm 23/3 hơn 30%.
Điều tồi tệ nhất đã thực sự kết thúc?
Khi các chuyên gia y tế nhiều lần tranh luận về cách thức và thời điểm các nền kinh tế nên mở cửa trở lại, thì một số bang ở Mỹ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế. Một số bang bao gồm Florida đã bắt đầu mở cửa lại theo "giai đoạn 1", bắt đầu hôm thứ Hai. California là bang gần đây nhất bắt đầu gỡ bỏ một số biện pháp hạn chế, khi một số nhà bán lẻ với rủi ro thấp được phép mở cửa vào ngày 8/5.
Peter Boockvar– CIO của Bleakley Advisory Group, nhận định: "Thị trường nhận thức rõ ràng rằng số việc làm bị mất có nguyên nhân từ tình trạng hoạt động kinh doanh bị đóng cửa ở quy mô lớn. Bởi vậy, khi quá trình mở cửa lại bắt đầu thì nhiều người trong số đó có thể sẽ được tuyển dụng trở lại trong những tháng và quý tới."
Hơn nữa, 78% người mất việc trong tháng 4 cho biết họ được yêu cầu tạm nghỉ, tức là thất nghiệp tạm thời. Chiến lược gia của Goldman Sachs - Jan Hatzius, cho biết điều này là sự khác biệt quan trọng, bởi nó cho thấy sự phục hồi sẽ diễn ra nhanh chóng. Ông viết trong 1 lưu ý gửi khách hàng: "Nếu số việc làm bị mất chỉ là tạm thời, thì quy mô hồi phục của thị trường lao động sẽ lớn hơn khi nền kinh tế mở cửa lại."
Động lực thúc đẩy mạnh mẽ
Ở thời gian đầu khi đại dịch mới bùng phát, tình trạng bán tháo diễn ra trên quy mô lớn bởi sự không chắc chắn xung quanh vấn đề dịch bệnh, khiến các chỉ số lớn rơi vào thị trường "gấu" với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Nhưng kể từ đó, sự khác biệt giữa "kẻ thắng – người thua" ngày càng lớn. Những cổ phiếu chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh – gồm ngành khách sạn và hàng không, tiếp tục rớt điểm. Trong khi đó, những cái tên khác đang thể hiện sự mạnh mẽ. Ở phiên 7/5, Nasdaq ghi nhận sự khởi sắc trong năm nay, nhờ cổ phiếu Netflix và Amazon tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.
Peter Orszag– CEO tư vấn tài chính tại Lazard, nhận định: "Cổ phiếu của các công ty lớn có mức giảm nhẹ hơn so với các công ty nhỏ. Có thể do hậu quả của cuộc khủng hoảng này, thì kẻ mạnh sẽ trở nên mạnh hơn và TTCK đang cho thấy mức định giá tương đối của nó."
Shannon Saccocia– CIO tại Boston Private Wealth, cho biết thêm: "Người tiêu dùng Mỹ đã chứng minh họ chính là động lực tăng trưởng trong thập kỷ qua và những nhà đầu tư mua vào mạnh ở thời điểm này tin rằng, những thay đổi trong hành vi khó có thể gây xáo trộn cho nhu cầu lâu hơn một vài quý."
Các biện pháp kích thích
Hơn nữa, khi Covid-19 gây biến động cho thị trường, các chính phủ và NHTW trên toàn thế giới đã nỗ lực tung các gói kích thích. Hồi tháng 3, Tổng thống Donald Trump đã chính thức phê duyệt gói tài trợ liên bang 2 nghìn tỷ USD – được gọi là đạo luật CARES. Trong khi đó, Fed cũng tuyên bố sẽ thực hiện chương trình mua tài sản không giới hạn.
Là một phần của các biện pháp kích thích, Fed hồi tháng 3 đã hạ lãi suất xuống gần mức 0. Tại cuộc họp gần đây nhất vào cuối tháng 4, NHTW cam kết sẽ giữ mức lãi suất ở mức thấp lịch sử, cho đến khi nền kinh tế hồi phục. Yếu tố sẽ hỗ trợ cho hoạt động kinh tế bởi chi phí đi vay sẽ thấp hơn.
Peter Orszag nhận định: "Lãi suất sẽ trở nên cực kỳ thấp trong một khoảng thời gian rất dài. Do đó, TTCK sẽ có được sự thúc đẩy."
Kỳ vọng về tương lai
Theo Kate Moore, trưởng nhóm chiến lược của for BlackRock’s Global Allocation Team, cho biết, trong bối cảnh bất ổn ở hiện tại, điều quan trọng đối với các nhà đầu tư là nhìn xa hơn và xác định ai sẽ là người thắc ở "phía" bên kia. Bà cho rằng thị trường sẽ có diễn biến tích cực hơn nữa, nhờ 3 yếu tố: số ca nhiễm tăng chậm lại, các bang đang dần mở cửa trở lại và mối quan hệ Mỹ - Trung đang được cải thiện.
Dù nhiều người vẫn lo ngại về "con đường" phía trước vẫn còn nhiều bất ổn, thì các nhà đầu tư nổi tiếng đều cho biết rằng nước Mỹ sẽ nhanh chóng hồi phục. Gần đây, huyền thoại đầu tư Warren Buffett cũng phát biểu rằng: "Không điều gì có thể cản đường nước Mỹ. Phép màu của người Mỹ sẽ luôn chiếm ưu thế và điều đó sẽ lặp lại."
Tham khảo CNBC