Trò chơi chiến tranh ở Syria quá phức tạp để dự đoán. Các cuộc đụng độ có vẻ riêng biệt nhưng lại liên quan trực tiếp tới nhau, và kéo theo sự ảnh hưởng tới tất cả các nước có liên quan. Cuộc không kích của Mỹ và đồng minh nhằm vào các cơ sở hóa học của Syria không phải vụ tấn công duy nhất. Vài ngày trước, Israel đã không kích một căn cứ quân sự Syria nhằm hạn chế sự ủng hộ của Iran với lực lượng Hezbollah.
Ở Syria, Hezbollah đang sát cánh với quân đội của nhà lãnh đạo Bashar al-Assad chống lại IS và phe nổi dậy. Tuy nhiên, trong khu vực Trung Đông, Hezbollah là kẻ thù không đội trời chung với Israel. Không chỉ có ảnh hưởng tại Syria và quê nhà Liban, Hezbollah còn là cái gai trong mắt Tel Aviv khi hết lòng ủng hộ người Palestine chống lại sự bành chướng của nhà nước Do Thái.
Trong những ngày vừa qua, tình hình trên dải Gaza cũng vô cùng nóng bỏng. Việc quân đội Israel bắn vào người biểu tình Palestine dẫn tới thương vong đáng kể, khiến phong trào chống Israel càng bùng lên mạnh mẽ. Ở Israel, chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu lại đang đối mặt với những cáo buộc tham nhũng.
Mối quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia cũng ngày càng trở nên tồi tệ hơn và cuộc chiến ủy thác trên đất Yemen có vai trò rất quan trọng với ảnh hưởng của họ. Những nhóm phiến quân của Yemen liên tiếp nã tên lửa vào Saudi Arabia và một số trong đó đã vượt qua được hệ thống phòng thủ để gây thương vong cho thường dân. Trong khi đó, Saudi Arabia cũng vừa trải qua một sự thay đổi quyền lực lớn.
Sự có mặt của Thổ Nhĩ Kỳ càng làm cho tình hình trở nên phức tạp. Từ vai trò là đồng minh của phương Tây nhưng hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang ngả về phía Nga. Với tiềm lực mạnh mẽ cùng vị thế địa chiến lược nối liền châu Á và châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ là thế lực mà cả Nga và phương Tây đều muốn tranh thủ sự ủng hộ.
Với Mỹ, Syria nói riêng và Trung Đông nói chung đang trở thành quân bài chiến lược. Một cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ giúp Tổng thống Donald Trump thể hiện sự cứng rắn với Nga hoặc gây sự chú ý với Cố vấn Đặc biệt Robert Mueller, người đang đứng đầu cuộc điều tra về sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang ở giai đoạn tái cấu trúc Hội đồng An ninh Quốc gia. Nhiều khả năng, Hội đồng này sẽ theo chiều hướng hiếu chiến hơn. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn chưa tìm được ngoại trưởng mới. Mối căng thẳng giữa Nga và phương Tây tiếp tục xấu đi sau vụ việc một cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh.
So sánh với Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, những xung đột trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh hay vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Trung Đông thực sự đáng lo ngại hơn bởi mức độ phức tạp của các bên liên quan. Trong các sự kiện trước, số lượng các nước có liên quan khá nhỏ và mỗi bên thường có sự gắn kết chặt chẽ với nhau.
Để tìm ra một tình huống tương đồng với Trung Đông ngày nay, có lẽ phải quay trở lại thời Thế chiến I. Những mâu thuẫn dai dẳng và kéo dài bùng lên sau vụ ám sát Thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand, dẫn tới cuộc chiến làm gần 20 triệu người thiệt mạng, tàn phá nặng nề các nước châu Âu. Bài học từ lịch sử cho thấy, khi tình trạng hỗn độn xảy ra, một sự kiện đơn lẻ có thể gây ra những hậu quả kinh hoàng vì những lý do không thể giải thích.
Ở Trung Đông lúc này, căng thẳng xuất hiện trên nhiều mặt trận, với nhiều bên riêng lẻ. Nhiều cuộc đấu tranh chính trị nội bộ hay bất ổn chính trị với sự góp mặt của các nước ngoài khu vực khiến tình hình trở nên vô cùng rối ren. Mức độ phức tạp của tình hình Trung Đông tương tự như những bất ổn năm 1914, thời điểm trước khi Thế chiến I nổ ra.
Với những người lạc quan, tình hình Trung Đông vẫn có thể đi đến hòa bình hay chỉ là những cuộc chiến cục bộ chứ không thể xảy ra chiến tranh toàn diện. Tuy nhiên, những người bi quan lại tỏ ra lo ngại về một sự kiện nhỏ có thể biến mớ bòng bong Trung Đông trở thành những sự kiện vượt tầm kiểm soát, gây tổn hại không trong khu vực mà còn ảnh hưởng tới cả thế giới.
Những mối tơ vò trong cuộc nội chiến Syria