Đổ xô xin cấp chứng chỉ hành nghề môi giới
Theo thống kê Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trên cả nước hiện có khoảng 300.000 người làm nghề môi giới địa ốc. Hàng năm, có trên 100.000 giao dịch bất động sản được thực hiện ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Con số này tăng mạnh cùng với sự nóng lên của thị trường bất động sản.
Trong giai đoạn sốt đất, hiện tượng "người người, nhà nhà" đổ xô làm môi giới tại nhiều tỉnh thành đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, trước vấn đề bất cập liên quan đến quản lý đội ngũ môi giới khi xảy ra tình trạng bát nháo, đẩy giá và làm giá, Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã được ban hành và chính thức có hiệu lực trong năm 2022. Theo quy định của Nghị định này, môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị phạt 60 triệu đồng. Ngoài ra, các hành vi sai phạm khác liên quan có thể có mức phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
(Ảnh minh hoạ).
Trước quy định này, thời gian vừa qua nhiều môi giới đã đổ xô đi học và thi. Khảo sát cho thấy, tại các đơn vị đào tạo chứng chỉ hành nghề môi giới, lượng đăng ký học và dự thi tăng mạnh.
Ông Lê Phương Đông, Trưởng văn phòng đại diện Hội môi giới Bất động sản Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ với báo giới, số thí sinh dự kỳ thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản ngày 15/5 lên đến 576 người, gấp đôi so với kỳ thi năm 2020.
Một thống kê sơ bộ khác ghi nhận, trong vòng 5 tháng đầu năm 2022, toàn khu vực miền Nam có khoảng trên 2.100 người dự thi lấy chứng chỉ hành nghề, tăng gấp 8 lần so với năm ngoái. Còn tại Nghệ An, Sở Xây dựng cho biết, riêng trong tháng 3/2022, địa phương này có hơn 500 hồ sơ xin phép cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Và con số được dự đoán sẽ còn tăng cao, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi trở lại.
Cần nâng cao chất lượng nghề môi giới
Nhận định về vai trò của đội ngũ môi giới, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, chính môi giới viên góp phần tạo nên thị trường bất động sản ngày càng phong phú và đa dạng. Vì thông qua nhà môi giới, chủ đầu tư nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người dân để liên tục phát triển sản phẩm.
"Nghề môi giới không đơn thuần là giới thiệu bất động sản, giao dịch mua bán bất động sản, mà là một ngành kinh doanh trong hệ sinh thái bất động sản với nhiều yêu cầu khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức", ông Lâm nhận định.
Thực tế, dù đóng vai trò là lực lượng góp phần thúc đẩy thị trường phát triển, nhưng thời gian qua, những môi giới địa ốc không có chứng chỉ, thiếu trách nhiệm, cũng đã tham gia vào việc thổi giá, tạo nên sự bất ổn cho thị trường. Hệ luỵ của cơn sốt giá khiến nhiều người tư lao vào nợ nần, phá sản.
Nhìn về quy mô của đội ngũ môi giới, trải qua khoảng thời gian dịch bệnh, thống kê cho thấy có tới 80% sàn giao dịch vừa và nhỏ phải phá sản hoặc sống lay lắt. Đội ngũ môi giới gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận khách hàng. Đa số, họ sống dựa vào sản phẩm của chủ đầu tư. Chưa kể, trong 300.000 môi giới địa ốc, chỉ 10% có chứng chỉ hành nghề. Các chuyên gia cho rằng, việc thiếu kiến thức, thiếu quản lý chặt chẽ là một trở ngại lớn để nâng cao chất lượng môi giới.
Các văn bản pháp luật hiện hành đã từng bước thúc đẩy hàng nghìn môi giới bất động sản đăng ký thi chứng chỉ hành nghề. Tuy vậy, hoạt động quản lý chưa đẩy mạnh xử phạt. Dẫn đến môi giới bất động sản có thể gia nhập và rút lui trong nghề bán nhà đất một cách dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, cần sớm đổi mới cơ chế quản lý. Trong tương lai, môi giới viên phải có mã số định danh và được quản lý thông qua hệ thống số để nâng cao chất lượng:
"Họ phải được đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ, có trình độ nghiệp vụ và phải được quản lý bằng các hệ thống công nghệ. Tất cả những thông tin về môi giới viên và hoạt động của họ phải được đưa lên hệ thống số để được quản lý khoa học, chặt chẽ, thông suốt. Các đơn vị chức năng nhờ vậy không mất nhiều thủ tục, thời gian kiểm soát", ông Đính chia sẻ.
Cũng theo các chuyên gia, cần có những giải pháp cụ thể để nâng nâng cao chất lượng quản lý và hoạt động môi giới, điển hình là việc xây dựng hệ thống số. Điều này không chỉ giúp minh bạch thị trường mà còn góp phần giúp hạn chế rủi ro, tiết kiệm thời gian và tăng khả năng tiếp cận sản phẩm địa ốc chất lượng.