Câu chuyện doanh nghiệp vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng chưa xong thì lại có thêm một đơn vị khác đăng ký mới gần 128.000 tỷ đồng.
Ồn ào doanh nghiệp vốn khủng
Ngày 18/8 là hết thời hạn 90 ngày để CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group), với số vốn đăng ký 500.000 tỷ đồng (21,7 tỷ USD) do CEO Nguyễn Vũ Quốc Anh thành lập phải nộp đủ số tiền theo đăng ký theo quy định. Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, đơn vị chưa ghi nhận được thông tin nào về việc doanh nghiệp này đã góp đủ vốn điều lệ.
Một đơn vị báo chí đã liên hệ với ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, vẫn là giọng nói quen thuộc, nhưng chối.
"Tui chỉ làm chăm sóc khách hàng thôi, tui không biết gì đâu. Sếp tui ấy, sếp tui đi công tác rồi. Muốn thông tin gì thì hỏi sếp tui... Mà sếp tui á, đợt này sếp tui chọn lọc hết. Vấn đề góp vốn là quan trọng, to lớn, không trả lời khơi khơi nữa", người nghe điện thoại nói. Điều đáng nói ở đây là vị "sếp" mà người này nhắc đến không phải là ai đó cao cấp hơn, có quyền quyết định hơn mà vẫn là "Nguyễn Vũ Quốc Anh chứ ai!'.
Siêu doanh nghiệp trước hạn đóng góp 500.000 tỷ |
Hồi cuối tháng 5/2021, dư luận xôn xao doanh nghiệp vốn điều lệ vượt xa nhiều lần những tập đoàn nhà nước và tư nhân lớn nhất của Việt Nam như Vingroup, EVN, Vietcombank, VietinBank, Hòa Phát... Trong buổi livestream, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh nói rằng: "Mọi người mong chờ sau 3 tháng trong tài khoản ngân hàng của công ty tôi có 21,7 tỷ USD hoặc hơn. Dĩ nhiên tôi có rất nhiều nguồn, nhiều cái mang về dòng tiền. Chúng tôi không phải đi tìm khách hàng, mà sẽ có một “đám khách" luôn. Vài triệu khách hàng về một lúc luôn. Con số đó là đã ra số tiền rồi đấy".
Chưa hết, cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp vừa ghi nhận một trường hợp có số vốn "khủng" là CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu (đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà không để ở như dịch vụ xây dựng nhà xưởng, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe... ).
Giấy đăng ký kinh doanh cho thấy doanh nghiệp thành lập ngày 9/11/2018, có trụ sở tại phố Trích Sài, Hà Nội; tổng giám đốc là ông Bùi Văn Việt, SN 1953, ngụ TP. Hà Nội. Năm 2018, đơn vị này đăng ký thành lập với số vốn điều lệ 132 tỷ đồng, trong đó có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn 52,8 tỷ đồng.
Từ tháng 6/2019, doanh nghiệp công bố tăng vốn điều lệ lên 127.902 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD), cổ đông nước ngoài góp 51.161 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, địa chỉ của công ty này chỉ có biển dịch vụ "rửa ô tô, xe máy ngày đêm" ở cổng, không có biển hiệu gì về Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu. Bên trong là một căn nhà cấp 4 khóa cửa, không có người ở.
Theo quan điểm của một luật sư, không ít doanh nghiệp tùy tiện trong việc đăng ký số vốn điều lệ, việc đăng ký vốn điều lệ đôi khi như để “lòe” thiên hạ thay vì phản ánh đúng năng lực tài chính. Cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt chẽ việc góp vốn của doanh nghiệp xem họ có thực sự góp đủ vốn theo đăng ký hay không?
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, đăng ký kinh doanh không phải là chuyện đem ra để đùa, quản lý nhà nước có chế tài, có quy định và không ai được lợi dụng để đùa cợt hoặc trục lợi.
Nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung: Lãnh đạo phải luôn học hỏi
Trong talkshow Thành sự tại nhân do Le and Associates tổ chức, bà Ngọc Dung cho biết: trong 5 năm trở lại đây, thế giới - thị trường thay đổi rất nhanh, nó đòi hỏi chính bản thân bà cũng phải thay đổi. Mặc dù bà đã có kinh nghiệm thương trường vài chục năm, song thay đổi của thời đại khiến bà vẫn phải học liên tục vì có quá nhiều thứ mới đối với mình.
"Nhiều lúc, tôi cảm thấy mình phải học nhiều hơn trước đây mới làm việc và lãnh đạo được. Những bạn trẻ mới ra trường hay mới đi làm trong thời gian gần đây, nói gì nói kinh nghiệm có thiếu, sự học hỏi - đòi hỏi về kiến thức rất quan trọng.
Bà Cao Thị Ngọc Dung |
Hôm nay, một bạn lãnh đạo nào đó có thể là ngôi sao sáng trong tổ chức, nhưng ngày qua ngày, bạn đó không chịu học tập các kiến thức mới - những thay đổi về công nghệ số - thị trường vì chúng thay đổi rất nhanh, thì bạn cũng sẽ dậm chân tại chỗ và lùi về phía sau. Vậy nên, năng lực của đội ngũ lãnh đạo PNJ phải liên tục được trau dồi.
Như tôi và các thành viên trong Ban lãnh đạo và Ban Giám đốc, hằng năm đều phải tham gia các chương trình đào tạo rất bài bản. Ngoài học những kiến thức mới, còn phải biết tự đào tạo.
Nếu chúng ta quá tự tin về kiến thức nền và kinh nghiệm mình đã có trong quá trình làm việc, không chịu thay đổi linh hoạt theo biến đổi của thị trường, thì chúng ta không thể đi tiếp được. Nếu làm thế thì cả 1 nhân viên bình thường cũng không thể đi tiếp được chứ không nói đến lãnh đạo", Chủ tịch PNJ nhấn mạnh.
Chủ tịch Thế giới Di động: Sức mua đã và sẽ giảm luôn
Trong buổi chia sẻ về tình hình kinh doanh 7 tháng của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết, tuỳ thuộc vào diễn biến dịch bệnh, chỉ số kinh doanh của MWG ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhìn nhận chung của ông cho quý 3-4 năm nay sẽ không tốt bằng quý 1-2, vì đây là hai quý tình trạng giãn cách kéo dài.
Sang năm 2022 thì chưa thể dự đoán được, nếu dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ nới lỏng giãn cách, cho bán buôn trở lại,... thì có thể tình hình kinh doanh phục hồi. Nhưng, chờ đợi một sự bùng nổ theo kiểu nhiều người mong đợi ví von như lò xo bị nén lại chờ ngày bung ra thì nói cho vui, để cho mấy ông nhà vật lý học nói, dân kinh doanh không nói như vậy.
"Ở đây, không có chiếc lò xo nào đang bị ép cả, chỉ có thu nhập bị giảm, sức mua giảm... dự kiến có thể kéo dài đến 2023-2024. Chỉ một ngày nào đó, các bạn thấy du lịch mở cửa trở lại, người dân hoạt động nhộn nhịp... thì chúng ta mới có thể hy vọng về một sức mua gia tăng", ông Tài nhấn mạnh.
Vị Chủ tịch cho hay MWG đặt mục tiêu giảm ở mức tối thiểu, đồng thời sớm phục hồi mạnh mẽ hơn khi thị trường quay trở lại, cố gắng là người cuối cùng ở lại trong cuộc chơi.
Đại gia lỗ trăm tỷ
Tập đoàn Yeah1 (YEG) đã công bố BCTC hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu thuần đạt 312 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao khiến Công ty lỗ gộp đến 49 tỷ đồng. Khấu trừ tất cả các chi phí, Công ty lỗ ròng đến 156 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ chỉ 3 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân theo YEG do mảng kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở mảng thương mại đa kênh (bán lẻ), trước ảnh hưởng nặng nề của hai đợt dịch trong nửa đầu năm 2021. Trong quý đầu năm, YEG cũng lỗ nặng 52,5 tỷ đồng, do áp lực chi phí trong cuộc chơi mở rộng hệ sinh thái truyền thông.
Trước thềm công bố BCTC quý 2, bà Trần Uyên Phương - ái nữ nhà Tân Hiệp Phát - tiếp tục bán ra 1,36 triệu cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1. Hiện, bà Phương đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Yeah1 xuống còn 14,5% vốn, tương đương 4,56 triệu cổ phiếu. Từng chi 50.000 đồng/cp để trở thành cổ đông lớn tại YEG, hiện thị giá Công ty trên thị trường đã "bay hơi" 70% xuống mức 15.000 đồng/cp.
Bảo Anh (Tổng hợp)