Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định cảnh báo, đến hết ngày 5.11, trên các sông tỉnh Bình Định có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông có khả năng ở mức báo động 2 - đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị.
Lo lắng lũ về bất ngờ, người dân trồng mai ở các xã Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Thành,… (TX.An Nhơn) đang tất bật đưa mai từ ruộng lên vườn nhà hoặc lên khu vực cao để tránh lũ. Ảnh: N.T
Tại xã Nhơn Phong, các ruộng mai dọc sông Gò Chàm, bà con nông dân đang vận chuyển hàng chục ngàn chậu mai kiểng tránh ngập lũ. Để đảm bảo tất cả mai được "an toàn", người dân phải thuê nhiều nhân công dùng xe rùa đẩy lên nơi cao, nhất là dọc theo tuyến tỉnh lộ 631. Ảnh: N.T
Đang thuê 6 nhân công vận chuyển mai tránh lũ, ông Lê Ngọc Mây (46 tuổi, thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong) cho biết: “Đối với người trồng mai thì việc vận chuyển mai chạy lũ là chuyện như cơm bữa. Khi nghe thông tin lũ việc đầu tiên làm là phải thuê người chuyển mai. Mỗi chậu mai vận chuyển từ ruộng lên đây tôi phải tốn 15.000 đồng, nhưng không phải ai cũng chịu làm. Lo lũ cuốn 300 chậu mai bán dịp Tết nên phải cắn răng thuê người đưa mai lên vị trí cao hơn”. Ảnh: N.T
Một phần sợ khoảng 500 chậu chậu mai có thể bán trong dịp Tết có thể chết úng, phần khác do quãng đường vận chuyển mai xa nên mỗi chậu mai của gia đình anh Lâm Sĩ Được (31 tuổi, cùng thôn Trung Lý) phải tốn mức phí 20.000 đồng. Ảnh: N.T
“Để trồng 1 cây mai đến lúc bán mất 4-5 năm, phải bỏ công sức tiền của, nhưng khi bán 500 - 900 ngàn đồng/chậu, tính ra lời lãi chẳng đáng là bao. Năm nào không bị bão lũ, mai được mùa thì còn có lãi, còn gặp bão lũ thì lỗ xác định lỗ” – anh Được tâm sự.Ảnh: N.T
Anh Được còn cho biết thêm, cơn bão số 5 vừa qua, vì chủ chủ quan để mai ngoài ruộng nên bị quật đổ ngã, vỡ chậu, nghiêm trọng nhất là mai gãy cành. Vì vậy, khi nghe sắp có lũ mới, anh chấp nhận thuê người vận chuyển mai lên khu vực cao. Ảnh: N.T
Còn Nguyễn Thị Hằng (làm nghề vận chuyển mai) cho hay, đây là nghề làm thời vụ, khi có lũ thì người ta thuê mình, trung bình một ngày có thể kiếm được 300 ngàn/ ngày, còn ngày thường đi làm công kiếm được 150 ngàn/ngày. Ảnh: N.T
“Mình làm ăn theo cây, nếu vận chuyển được nhiều thì có nhiều tiền. Nếu có người thuê vận chuyển, buổi sáng dậy từ 5h sáng làm đến trưa, chiều 13h làm đến khi trời tối” – chị Hằng thông tin thêm. Ảnh: N.T
Nguyễn Thành Khẳng (45 tuổi, thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong) cho hay, với giá 15 ngàn/chậu, vào những ngày cao điểm ông Khẳng có thể kiếm được 400-500 ngàn/ngày. Ảnh: N.T
“Nghề này hầu như năm nào cũng làm, vào mùa lụt, với lúc bán mai Tết thì các chủ vườn mai sẽ thuê mình kéo mai lên những nơi cao hơn để tránh lũ hoặc khoe cây mai cho người mua thấy. Nghề này nếu làm thường xuyên thì cũng khá hơn các nghề khác” – một người trong đội vẫn chuyển mai nói. Ảnh: N.T