Doanh nghiệp đùn đẩy trách nhiệm
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cuộc họp, bàn giải pháp cấp nước sạch cho người dân KĐT Tân Tây Đô. Buổi họp có sự tham gia của nhiều bên, gồm UBND huyện Đan Phượng, CĐT cấp 1 của KĐT Tân Tây Đô là Cty TNHH Xuân Phương, hai CĐT thứ cấp là Công Ty CP Xây dựng và Thương mại Tuấn Quỳnh và Cty CP Hải Phát, đơn vị đang cấp nước cho KĐT là Cty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ môi trường Việt Nam và Cty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội, với mong muốn tìm được tiếng nói chung giữa các bên.
Trước đó, hàng nghìn người dân tại KĐT Tân Tây Đô đã căng băngrôn yêu cầu CĐT thứ cấp Hải Phát phải cấp nước sạch cho người dân. Do nguồn nước mà họ sử dụng suốt 5 năm qua có chứa hàm lượng Asen, Amoni (các chất gây ung thư) gấp 3 đến 6 lần mức cho phép.
Trước tình trạng này, đầu tháng 6.2018, Sở Xây dựng đã đưa ra đề nghị các đơn vị liên quan liên hệ với Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội để nghiên cứu, thực hiện đầu tư bổ sung đấu nối nguồn cung cấp nước sạch từ hệ thống mạng lưới cấp nước do Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội sử dụng nguồn nước sạch sông Đà; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện.
Có mặt tại buổi họp, đại diện của Cty nước sạch Tây Hà Nội cho biết, nhất trí hoàn toàn với quan điểm của sở. Song đơn vị này yêu cầu CĐT phải cùng chung tay xây dựng hệ thống nước sạch cho người dân, chủ động liên hệ với Tây Hà Nội để đưa ra phương án, chứ không thể phó thác trách nhiệm.
“Chúng tôi bỏ tiền ra đầu tư, cũng mong những nhà đầu tư của KĐT chia sẻ. Sở mời chúng tôi vào cấp nước cho người dân, chứ đây không phải trách nhiệm của chúng tôi.
Thứ nhất chúng tôi mong muốn nhà đầu tư, cả thứ cấp và cấp 1 bàn giao cơ sở hạ tầng, và hỗ trợ chúng tôi phần kinh phí ở mức hợp lý. Thứ hai, bản đồ hạ tầng cũng phải chia sẻ. Nếu như đồng ý thì chỉ 10 đến 15 ngày, chúng tôi hoàn toàn có thể bơm nước vào cho người dân”, đại diện Tây Hà Nội nói.
Đại diện Cty Tây Hà Nội.
Trước yêu cầu này từ phía Tây Hà Nội, đại diện Cty TNHH Xuân Phương, ông Trần Trọng Xuân một mực phản bác, cho rằng CĐT cấp 1 và CĐT thứ cấp đã làm xong KĐT, hạ tầng đã bàn giao lại cho thành phố, các tòa nhà đã bàn giao cho dân cư đi vào hoạt động. Vị này cho rằng, trách nhiệm của CĐT đến đây đã hết.
“Ý của Công ty nước sạch Tây Hồ Tây là chúng tôi phải chịu trách nhiệm kéo đường ống nước với dự toán kinh phí lên tới hơn 10 tỷ và bảo chúng tôi phải hỗ trợ, thì hôm nay trước hội nghị, chúng tôi cũng xin khẳng định là ngoài sức của chủ đầu tư chúng tôi”, ông này nói.
Sở Xây dựng ra tối hậu thư
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng khẳng định, việc để người dân dùng nước bẩn trong suốt thời gian qua là trách nhiệm của CĐT và CĐT phải có trách nhiệm đến cùng với người dân.
“CĐT Hải Phát nói chỉ là người mua nước của Cty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ môi trường Việt Nam cấp cho dân. Việc nước sạch nước bẩn như thế nào không biết là trốn tránh trách nhiệm. Biết rõ nước bẩn, vẫn ký hợp đồng mua để ký cho dân mà trả lời như vậy là không đúng”, ông Hoàng khẳng định.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, ông Hoàng Cao Thắng, Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội đã giao cho Cty Tây Hà Nội cung cấp nước cho KĐT Tân Tây Đô và ngừng việc cấp nước hiện tại. Yêu cầu các CĐT cấp 1 và thứ cấp phải chủ động liên hệ với Cty Tây Hà Nội để lên phương án đấu nối nước sạch cho người dân. Có khó khăn vướng mắc, liên hệ Sở, huyện sẽ được tạo điều kiện giải quyết.
Ông Thắng ra chỉ đạo: “Người dân phải có nước sạch sử dụng trong vòng 15 ngày tới”.
Theo vị lãnh đạo sở, nếu sau 15 ngày, người dân vẫn không có nước sạch sử dụng, Sở cũng như chính quyền địa phương sẽ mạnh tay xử lý trách nhiệm của CĐT, có những biện pháp cứng rắn, không thể để tình trạng người dân phải khổ sở vì nước độc.