Công ty CP đầu tư PVR Hà Nội tiền thân là Công ty CP dầu khí Tản Viên thành lập 2006, với các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam, Công ty tài chính CP Dầu khí Việt Nam, CTCP kỹ thuật dịch vụ Dầu khí, Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu GPbank.
Khi mới thành lập, Dầu khí Tản Viên có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, chuyên kinh doanh bất động sản, mục tiêu chính là phát triển dự án Hồ Suối Hai, Tản Viên, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) thành một khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.
Trải qua nhiều thăng trầm hoạt động, đến năm 2018, công ty chính thức sử dụng tên: Công ty CP đầu tư PVR Hà Nội (mã cổ phiếu PVR: UpCom) như hiện nay.
Theo báo cáo thường niên mới công bố, bộ máy lãnh đạo cấp cao của công ty có mức thù lao vô cùng hạn chế. Chỉ có tổng cộng 322,8 triệu đồng được chi trả thù lao cho 8 nhân sự của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban giám đốc trong năm 2022.
Người nhận được nhiều nhất là Chủ tịch HĐQT với thù lao 90 triệu đồng; hai thành viên HĐQT chuyên trách nhận được mỗi người 30 triệu đồng, bằng với mức của Trưởng ban kiểm soát.
Hai thành viên còn lại của Ban kiểm soát, một người không có thù lao, người còn lại nhận thù lao 18 triệu đồng.
Không khá khẩm hơn, bộ máy ban Giám đốc vô cùng tinh gọn với một Giám đốc và một kế toán trưởng. Trong đó, Giám đốc nhận 54,2 triệu đồng và Kế toán trưởng nhận 70,6 triệu đồng.
Tính bình quân, thu nhập trung bình hàng tháng của Giám đốc PVR chưa đến 5 triệu đồng.
Sở dĩ có mức thu nhập thấp như vậy, vì hoạt động kinh doanh của PVR đang gặp khó khăn. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2022 là hơn 80 tỷ đồng (theo BCTC tự lập).
Năm 2022, PVR không có doanh thu; chi phí lương, chi phí vận hành tối thiểu khác và trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính đã khiến công ty lỗ 3,83 tỷ đồng.
Đến 31/12/2022, tổng tài sản của PVR là 982,5 tỷ đồng , trong đó tài sản ngắn hạn lên tới 726,2 tỷ đồng và 256 tỷ đồng tài sản dài hạn.
Tuy nhiên, kiểm toán mới đây đã đưa ra ý kiến từ chối với BCTC của công ty xoay quanh nhiều vấn đề liên quan đến những con số này.
Thứ nhất , công ty đang theo dõi chi phí đầu tư xây dựng cơ bản vào Dự án Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên - lũy kế đến cuối năm 2021 và 2022 đều là 24,92 tỷ đồng. Trong đó, lãi vay lũy kế đến 31/12/2022 là 7,34 tỷ đồng.
Năm 2007, siêu dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên (Ba Vì) được quy hoạch ban đầu lên tới 1.024,8ha tại khu vực hồ suối Hai (Ba Vì), tổng mức đầu tư 4.690 tỷ do Cty CP kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (tên cũ của PVR) là nhà đầu tư.
Từng được kỳ vọng lớn với siêu dự án Tản Viên nhưng vào tháng 7/2019, PVR nhận được văn bản của Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án. Công ty đã dừng mọi hoạt động liên quan đến dự án.
Hiện nay, kiểm toán chưa thu thập đủ hồ sơ chắc chắn về hiệu quả đầu tư và định hướng triển khai cụ thể của Công ty nên không đánh giá dược khả năng xảy ra tổn thất với chi phí đầu tư vào dự án, cũng như việc cần thiết phải điều chỉnh chi phí lãi vay mà PVR đã vốn hóa vào dự án hay không.
Thứ hai, khoản mục đầu tư tài chính vào CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCI, số tiền 21.35 tỷ đồng) và CTCP Khách sạn Dầu khí Lam Kinh (5 tỷ đồng) đều chưa thu thập được BCTC để làm cơ sở xem xét trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư.
Thứ ba, thời điểm cuối năm 2021 và 2022, Công ty chưa đánh giá được hiệu quả và giá trị thu hồi với Dự án CT10-11 Văn Phú đang thi công dang dở do chậm tiến độ. Chi phí thi công dở dang của dự án tại ngày 31/12/2021 và 31/12/2022 đều là 692.66 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cho dự án trong khoản mục Chi phí trả trước tại 2 thời điểm trên đều là 7.34 tỷ đồng.
Thứ tư , các khoản đầu tư tài chính, công nợ phải thu và công nợ phải trả của Công ty tại thời điểm cuối năm 2021 và 2022 chưa được đối chiếu, xác nhận đầy đủ, khiến AASC chưa đánh giá được sự cần thiết phải điều chỉnh số liệu.
Thứ năm, Công ty chưa kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đầy đủ với khách hàng cho Dự án Văn Phú theo quy định.
Thứ sáu, Công ty chưa xem xét trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào CTCP Đầu tư Phát triển Bình An (Bình An) tại thời điểm cuối năm 2021 và 2022. AASC không đánh giá được tính đúng đắn của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Bình An ngày 30/06/2011 giữa CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (OCH) và PVR, cũng như không thể xác định được liệu các cổ đông sáng lập và phổ thông của Bình An đã góp đủ vốn hay chưa.
Về các vấn đề trên, PVR đã đưa ra ý kiến giải trình. Cụ thể, tại thời điểm lập BCTC ngày 31/12/2022, PVR chưa thu thập được BCTC của Công ty Bình An, nên đã liên hệ và gửi văn bản tới Bình An đề nghị cung cấp thông tin làm cơ sở trích lập dự phòng nhưng chưa được đáp ứng. Do đó, PVR chưa có cơ sở để trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này.
Cũng tại thời điểm này, do lập báo cáo sớm, PVR chưa thu thập được BCTC của PVCI và Dầu khí Lam Kinh, nên căn cứ để trích lập dự phòng cho 2 khoản đầu tư được lấy từ số liệu BCTC năm 2019 và 2021.
Về hàng tồn kho, PVR chưa trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho do chưa thể đánh giá chính xác hiệu quả đầu tư của Dự án CT10-11 Văn Phú, vì các thông số tính toán theo thị trường hiện chưa đầy đủ và còn biến động.
Với khoản công nợ phải thu và phải trả, PVR đã tích cực gửi công văn và thư xác nhận cho khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư. Nhưng do lập báo cáo sớm, một số khoản công nợ chưa được thu xác nhận đầy đủ. PVR sẽ sớm bổ sung và cung cấp cho kiểm toán viên.
Đối với Dự án Tản Viên, ngày 20/07/2019, PVR đã nhận được văn bản từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội về việc chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Hiện tại, Công ty đang dừng mọi hoạt động liên quan đến dự án.