Ngày 31/5, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, đã có 1/5 mỏ cát được cấp phép cho khai thác phục vụ dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dự án thành phần 4 đoạn qua Sóc Trăng).
Mỏ cát trên nằm ở sông sông Hậu, đoạn qua xã An Thạnh 1 và xã An Thạnh Đông của huyện Cù Lao Dung, với diện tích 100 ha.
Tổng trữ lượng cát được phép khai thác hơn 1,14 triệu m3 (thời gian khai thác 2 năm). Trong đó, trữ lượng khai thác năm thứ nhất là 1 triệu m3, năm thứ 2 là 0,14 triệu m3. Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên 7,7 tỷ đồng.
Trong thời gian khai thác mỏ cát sông trên sông Hậu, tỉnh Sóc Trăng yêu cầu doanh nghiệp chỉ khai thác cát vào ban ngày, trong khung giờ từ 7-17 giờ/ngày, không được khai thác đêm.
Đồng thời, phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có kết nối với hệ thống giám sát khai thác tài nguyên cát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng để theo dõi, quản lý. Lưu ý, thiết bị giám sát hành trình phải phải luôn hoạt động ổn định, liên tục trong quá trình thực hiện.
Về phía UBND tỉnh Sóc Trăng, cũng sẽ giao tổ công tác liên ngành, địa phương nơi có mỏ cát thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khai thác, đảm bảo cát chỉ khai thác phục vụ cho dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó, hồi tháng 12/2023, UBND tỉnh Sóc Trăng đã bàn giao hồ sơ 5 mỏ cát, tổng diện tích trên 450 ha với trữ lượng khoảng hơn 11 triệu m3 cho các nhà thầu. Các mỏ cát này nằm trên sông Hậu thuộc địa bàn các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Trần Đề.
Hiện tỉnh Sóc Trăng đang nỗ lực hoàn thành các thủ tục để cấp phép khai thác 4 mỏ cát còn lại.
Ông Lâu cho biết, việc giao mỏ cát cho nhà thầu tự khai thác là nỗ lực của địa phương với mong muốn công trình sớm hoàn thành, đảm bảo chất lượng. Do việc giao mỏ cát cho nhà thầu thi công tự khai thác chưa có tiền lệ, theo cơ chế đặc thù, nên tỉnh vừa làm vừa nghiên cứu, không bỏ bước, không sai quy định.