Liên quan vụ 3 công ty TNHH, gồm MTV Điều Hương (An Giang), Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp và Thực phẩm Tấn Phát (cùng tỉnh Vĩnh Long) sử dụng soda công nghiệp (soda ash light - Na2CO3) để chế biến nước mắm bán thành phẩm (nước hoa cà), ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết đã xử phạt hành chính với tổng số 776 triệu đồng, đồng thời buộc trả lại nơi mua tổng cộng 48 tấn soda công nghiệp.
Theo ông Tiến, trước đó, qua kiểm nghiệm, Thanh tra Bộ NN-PTNT và các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã kết luận toàn bộ các kết quả kiểm nghiệm mẫu cho thấy các chất cấm và kim loại nặng đều dưới ngưỡng nguy hại. Công an cũng yêu cầu Thanh tra Bộ NN-PTNT xử lý về hành chính vì các vi phạm này chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự. Sau xử lý, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã tham mưu cho lãnh đạo bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường chấn chỉnh việc chế biến, kinh doanh nước mắm trên toàn quốc, bảo đảm an toàn thực phẩm.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết soda ash light - Na2CO33 là hóa chất công nghiệp có tính chất tẩy rửa, dệt nhuộm, xà phòng... Na2CO3 chỉ được dùng trong thực phẩm với điều kiện đã được tinh chế, loại bỏ hoàn toàn các chất độc hại như kim loại nặng hay các tạp chất, tránh cho con người nhiễm độc và gây hại cho sức khỏe.
"Việc dùng Na2CO3 trong nước mắm là trái phép và sai quy định. Người dùng nước mắm có hóa chất này dễ bị nhiễm độc và gây ra hàng loạt tác động có hại cho sức khỏe. Đã là hóa chất độc hại thì khi vào cơ thể sẽ khiến con người bị nhiễm bệnh, trong đó có các bệnh về tim, gan, thận, thần kinh, não, thậm chí là ung thư nếu sử dụng trong thời gian dài" - ông Thịnh nói và khẳng định về nguyên tắc, khi chế biến hay sản xuất thực phẩm, đã là hóa chất độc hại cho sức khỏe con người thì dù ít hay nhiều cũng đều không được sử dụng.
"Đánh giá chính xác tác hại của các loại nước mắm dùng Na2CO3 đến sức khỏe thế nào là rất khó. Bởi còn phụ thuộc vào liều lượng dùng và chính lượng hóa chất người sản xuất cho vào sản phẩm là bao nhiêu. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng dùng nước mắm nhiễm Na2CO3 sẽ gây hại cho sức khỏe, càng dùng trong thời gian dài càng có hại" - ông Thịnh nói tiếp.
PGS-TS Trần Hồng Côn, giảng viên Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (TP Hà Nội), khẳng định: "Sử dụng hóa chất soda công nghiệp để trung hòa axít trong nước mắm là trái phép. Chúng chứa rất nhiều tạp chất, không tinh khiết, gây nhiều rủi ro về sức khỏe, không thể lường trước".
Không có trong danh mục phụ gia thực phẩm
PGS-TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết trong danh mục phụ gia được phép đưa vào thực phẩm do Bộ Y tế quy định không có soda công nghiệp, nên việc đưa vào khi sản xuất nước mắm là không đúng. Quy trình sản xuất nước mắm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Chẳng hạn, quá trình chọn nguyên liệu là cá có thể có nguy cơ nhiễm kim loại nặng do ô nhiễm nguồn nước. Khâu chế biến cũng có thể có nguy cơ bể dùng bị thôi nhiễm kim loại nặng nếu dùng bể xi măng, chum vại; nếu rửa dụng cụ, bảo quản mắm không tốt có thể nhiễm vi khuẩn. Cùng đó, khâu chiết xuất, bảo quản, vận chuyển… đều có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
N.Dung