Ông Masayoshi Son, CEO kiêm Chủ tịch của Softbank, cho biết ông đã thấy khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế. "Chúng tôi đã đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp. Tôi sợ rằng, bạn biết đấy, có thể một số trong số đó không thể duy trì", ông Son chia sẻ.
Theo ông Son, SoftBank có đủ tiền và tài sản tuy nhiên ông nhận định rằng tiền mặt rất quan trọng khi rơi vào loại khủng hoảng như hiện nay, vì có thể đầu tư khi cơ hội xuất hiện, cũng như bảo vệ tập đoàn.
Mặc dù gần đây có những đột phá trong việc điều trị bằng vắc xin và kháng thể, ông Son vẫn bi quan về đại dịch trong ngắn hạn. "Trong 2 - 3 tháng tới, bất kỳ thảm họa nào cũng có thể xảy ra. Vì vậy, bạn biết đấy, chúng tôi chỉ đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất", ông nói.
Vị CEO kiêm Chủ tịch của SoftBank cũng cho biết đã đặt mục tiêu thanh khoản nội bộ cho tập đoàn ở mức 41 tỷ USD vào đầu năm nay và đã vượt mục tiêu gần như gấp đôi.
SoftBank đã huy động được 14 tỷ USD trong năm nay bằng cách cam kết chuyển giao 10% cổ phần trong Alibaba Group Holding – ông vua thương mại điện tử của Trung Quốc, và bán 20 tỷ USD cổ phần trong T-Mobile sau thương vụ sáp nhập được chờ đợi từ lâu của nhà mạng với Sprint. Tập đoàn cũng đã đạt được thỏa thuận với nhà sản xuất chip Nvidia của Mỹ để bán Arm, có trụ sở tại Anh, với giá 40 tỷ USD, theo Nikkei.
SoftBank nổi tiếng với quỹ Tầm nhìn trị giá 100 tỷ USD và các khoản đầu tư vào những công ty khởi nghiệp công nghệ, từ Uber của Mỹ đến chuỗi khách sạn Oyo của Ấn Độ. Mặc dù vậy, SoftBank có lý do để điều chỉnh chiến lược của mình ngay cả trước khi nguy cơ đại dịch bùng phát.
Sau sự thất bại của quỹ Tầm đối với vụ niêm yết của WeWork vào mùa thu năm ngoái, ông Son đã nói với các nhà đầu tư vào tháng 11/ 2019 rằng nhận định đầu tư của ông yếu về nhiều mặt.
Tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm thứ 17/11, ông Son cho biết ông thà chấp nhận sự thiếu hiểu biết của mình để học nhanh hơn và không mắc sai lầm tương tự.
Về chiến lược đầu tư, quỹ Tầm nhìn đã đầu tư ít hơn trong năm nay với hy vọng thu được lợi nhuận lớn hơn. SoftBank cũng đã âm thầm mua cổ phần trong các công ty công nghệ Mỹ được giao dịch công khai lâu đời hơn, gồm Amazon và Netflix.
Và dù những thất bại gần đây khiến đã dẫn tới sự về luận điểm đầu tư trong 300 năm tới của ông Son, ông vẫn lạc quan về trí tuệ nhân tạo (AI).
Khi được hỏi ý định sử dụng 80 tỷ USD như thế nào, ông Son chia sẻ: "Nếu chúng tôi có thể đầu tư vào những công ty tương tác trực tiếp với người dùng bằng AI, cơ hội xuất hiện, tôi sẽ quyết liệt". Theo ông, suy thoái kinh tế sẽ mang tới một mức giá tốt hơn để mua vào, vì các công ty khởi nghiệp có thể gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn.
"Tất nhiên, nếu giá cổ phiếu của chúng tôi giảm xuống, tôi muốn mua lại cổ phiếu của chính chúng tôi vì tôi tin tưởng vào công ty của mình", ông Son cho hay.
Nhà đầu tư cũng đưa ra những lo ngại về vấn đề an ninh xung quanh các công ty Trung Quốc như Huawei Technologies và TikTok do chính quyền Washington khởi xướng. SoftBank sở hữu cổ phần của ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video.
"Tôi không nghĩ rằng có thực sự có nhiều rủi ro như vậy. Nếu có bất kỳ mối lo ngại nào, thì nên có một cuộc thảo luận về cách giảm thiểu điều đó. Và luôn có một giải pháp kỹ thuật để không khiến nó hướng quá nhiều vào chính trị", ông nói.
"Thật buồn nếu một số dịch vụ mà mọi người rất thích [bị] ngừng cung cấp vì một số lo ngại chính trị về điều gì đó thực sự không xảy ra", ông chia sẻ.
Cũng theo ông Son, ông Zhang Yiming, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của ByteDance, không có ý định đánh cắp quyền riêng tư hay bảo mật của công dân Mỹ và các quốc gia khác. Anh ấy chỉ muốn cung cấp một điều tốt đẹp, vui vẻ và thú vị qua TikTok, ông Son nói.