Cổ phiếu của công ty công nghệ cao Nhật Bản SoftBank đã giảm hơn 7% tại Tokyo hôm thứ Hai vừa qua khi áp lực quốc tế dành cho Saudi Arabia ngày càng tăng do sự biến mất của nhà báo nổi tiếng Jamal Khashoggi.
Tỷ phú Son đã tạo dựng được mối quan hệ khắng khít với chính phủ Saudi Arabia và Thái tử Mohammed bin Salman. Vương quốc này là nơi cung cấp gần một nửa số tiền cho Vision, một quỹ tập trung vào công nghệ trị giá 93 tỷ USD của SoftBank. Tính đến nay, quỹ này đã thực hiện những khoản đầu tư lớn vào các công ty khởi nghiệp như WeWork và Slack.
Asymmetric Advisors, công ty tư vấn cho các nhà đầu tư về chứng khoán Nhật Bản, đã rút SoftBank khỏi danh sách "các cổ phiếu chủ chốt nên đầu tư" của họ vào hôm thứ Hai.
"Mặc dù chúng tôi không kỳ vọng vụ việc ngoại giao mới nhất này sẽ dẫn đến bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Saudi Arabia, nhưng luôn có khả năng rằng một số công ty sẽ rút tiền ra khỏi quỹ Vision", Amir Anvarzadeh, một nhà phân tích tại Singapore, viết trong thư gửi khách hàng.
SoftBank đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNNMoney.
Những tên tuổi góp vốn nổi tiếng khác cho quỹ Vision còn có Apple và hãng sản xuất chip Qualcomm của Mỹ. Quỹ này đã bơm tiền vào khoảng 30 công ty, biến tỷ phú Son thành người tạo ra những vị vua mới của thung lũng Silicon.
SoftBank cũng cam kết giúp Thái tử của Saudi Arabia trong những nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ sang các lĩnh vực như công nghệ và năng lượng tái tạo.
SoftBank hiện tham gia vào các dự án xây dựng một siêu thành phố mới và trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới của Saudi Arabia.
"Đây là một cơ hội tuyệt vời. Vì sự lãnh đạo, vì vị trí của siêu thành phố, và vì những cư dân trong vương quốc này, chúng ta có thể làm cho dự án trở thành hiện thực", tỷ phú Son phát biểu hồi năm ngoái khi nói về dự án siêu thành phố đó trong lúc ngồi cạnh Thái tử Mohammed bin Salman.
Các nhà quản lý hàng đầu cắt đứt quan hệ với sự kiện Saudi Arabia
Saudi Arabia đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng trong chuyện giải thích sự biến mất của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố có bằng chứng rằng Khashoggi, một công dân Mỹ và cũng là cây bút của tờ Washington Post, đã bị ám sát bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul hồi đầu tháng này - một cáo buộc mà chính phủ Saudi Arabia phủ nhận.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu giờ đây đang tránh xa chính phủ Saudi Arabia. Các giám đốc điều hành bao gồm CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase đã rút khỏi một hội nghị đầu tư sẽ diễn ra tại Saudi Arabia vào cuối tháng 10. Các nhà tài trợ truyền thông, trong đó có CNN, cũng đã rút khỏi sự kiện được xem là "hội nghị Davos trong sa mạc" này.
Tỷ phú Son từng phát biểu tại hội nghị này vào năm ngoái, và một số giám đốc điều hành của SoftBank đã được lên danh sách sẽ tham gia vào năm nay trước khi các nhà tổ chức hội nghị xóa tất cả tên khỏi chương trình được đăng trực tuyến. Công ty này đã không cho biết các giám đốc điều hành của họ có sẽ tham gia hội nghị của năm nay hay không.
Các lãnh đạo doanh nghiệp và những người khác cũng đã bắt đầu tạm ngưng mối quan hệ của họ với dự án siêu thành phố nói trên. Cựu bộ trưởng Bộ năng lượng Mỹ, Ernest Moniz, và cựu Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Neelie Kroes, nằm trong số những người đã tạm ngưng tham gia vào hội đồng cố vấn cho thành phố này.
Cổ phiếu của SoftBank hiện giảm khoảng 20% so với mức đỉnh của nó vào đầu tháng này. Tuần trước cổ phiếu này cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt bán tháo ở các cổ phiếu công nghệ toàn cầu.