Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, kể từ cuối năm 2017, thị trường bất động sản tại các tỉnh lân cận Hà Nội bắt đầu sôi động do có sự có mặt của các chủ đầu tư lớn.
Chẳng hạn, TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), từ cuối năm 2017, đầu năm 2018, hàng loạt dự án tại đây đã được tung ra thị trường như An Phú, Mountain View, Nam Vĩnh Yên…
Trong khi đó, tại Bắc Giang, nguồn cung bất động sản của thị trường này được dự báo khá lớn khi toàn tỉnh có hơn 10 dự án đang triển khai và có kế hoạch bán hàng kể từ quý II/2018. Các chủ đầu tư bất động sản đáng chú ý tại Bắc Giang có thể kể đến như Kosy, Bách Việt.
Tại tỉnh Bắc Ninh, trong năm nay, thị trường này cũng sẽ được hâm nóng với sự xuất hiện của các chủ đầu tư như Him Lam, Nam Hồng…Các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bất động sản tại Thái Nguyên có thể kể đến như Tập đoàn Tiến Bộ, Tổng công ty Tecco, Hồng Vũ, Kosy.
Sự phát triển của các khu công nghiệp đang là lực đẩy cho thị trường BĐS khu vực tỉnh lẻ.
Còn tại Hưng Yên với vị trí rất gần Hà Nội, lại là nơi đây tập trung một loạt khu công nghiệp lớn nên nơi đây luôn được đánh giá cao về tiềm năng phát triển bất động sản. Mới đây, thị trường đã đón nhận thêm dự án Như Quỳnh Diamond Park thuộc Thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm.
Với vị trí nằm ngay trên mặt đường 388, chỉ cách Quốc lộ 5 50m, Như Quỳnh Diamond Park được đánh giá cao tại Hưng Yên bởi có thể đáp ứng nhu cầu về chỗ ở tại một khu đô thị văn minh, đồng thời cũng có thể khai thác được tiềm năng kinh doanh cho thuê.
Ngoài ra, tại Hưng Yên còn phải kể đến sự góp mặt của các nhà đầu tư lớn như Hòa Phát, TNR, cùng các doanh nghiệp khác như Lạc Hồng Phúc, Vạn Thuận Phát…, thị trường đất nền khu vực này thời gian qua rất sôi động.
Đặc biệt, với hiệu ứng từ dự án Ecopark của Vihajico và dự án Vincity Hưng Yên của Vingroup, một số đơn vị nghiên cứu thị trường đánh giá, thị trường khu vực này sẽ tăng trưởng cả về nguồn cung và giá trong thời gian tới. Đặc biệt, sẽ có một số chủ đầu tư nhỏ sẽ ra hàng trước Vingroup để đón đầu thị trường.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lâu nay nhắc đến bất động sản tỉnh lẻ, nhiều người thường nghĩ đến dự án quy mô nhỏ, đầu tư vừa phải để phù hợp với phân khúc khách hàng. Quan niệm này đã lỗi thời trước sự trỗi dậy của thị trường bất động sản ven đô, tiệm cận các thành phố lớn như Hà Nội.
Theo quan sát, hiện nay nhiều nhà đầu tư từ các thành phố lớn kéo về BĐS tỉnh lẻ những khu vực giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, không chỉ để lướt sóng mà xu thế đầu tư dài hạn cũng được hình thành.
Cũng theo các chuyên gia, giá đất các tỉnh đang thấp hơn so với Hà Nội, được kỳ vọng có nhiều cơ hội tăng giá khi các dự án lớn đi vào hoạt động, thay đổi bộ mặt đô thị. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông kết nối tại các tỉnh hiện cũng đã phát triển, giúp việc di chuyển từ Hà Nội tới các khu vực này đã không còn trở ngại như trước. Mặt khác, các địa phương này có sự đầu tư mạnh các khu công nghiệp, khu hành chính mới. Phát triển khu công nghiệp tất yếu dẫn đến dân số cơ học tại các địa phương tăng lên, khiến nhu cầu về nhà ở, đất ở cũng tăng theo.